Y tế

Dừng tập thể dục ngay khi thấy 9 dấu hiệu này

11/05/2020, 16:00

Tập thể dục có thể khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, tuy nhiên hãy coi chừng bởi những thói quen trong việc rèn luyện có thể khiến bạn gặp chấn thương.

1. Dừng tập ngay nếu đang bị đau

img

Jasmine Marcus, một nhà vật lý trị liệu ở New York, Mỹ, đã chia sẻ với Insider vì sao thấy đau trong lúc tập luyện lại có thể trở thành thảm hoạ.

“Đau là cơ chế phản ứng bảo vệ của cơ thể và trong trường hợp thấy đau, điều đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang tự làm tổn thương chính mình”.

Và nếu cơn đau chỉ tập trung vào một vùng bộ phận và bạn có thể tiếp tục hoàn thành bài tập, Marcus nói rằng bạn hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục tập, miễn là bạn sẽ tìm cách điều trị y tế cho bất cứ cơn đau nào đang làm phiền.

“Ví dụ, nếu vai khiến bạn khó chịu, hãy tránh kích thích khu vực này bằng các bài tập vai với đẩy tạ, tuy nhiên, chẳng có lí do gì để dừng tập vùng thân dưới. Hãy chắc chắn là cuối cùng bạn sẽ tìm cách điều trị cho vai của mình là ổn”, Jasmine Marcus cho hay.

Luôn luôn lắng nghe cơ thể bởi vì cố gắng vượt qua chấn thương có thể khiến bạn ngồi ngoài lâu hơn. Nếu cơn đau vô cùng nhức nhối, nghiêm trọng hoặc nếu bị sưng, bầm tím hay có vết thương hở, bạn nên tìm kiếm trợ giúp từ bác sĩ.

2. Chóng mặt hoặc mệt mỏi kéo dài

img

Nếu sau tập luyện khá lâu mà bạn vẫn thấy chóng mặt hay mệt mỏi, đó không phải là dấu hiệu tốt. Mitchell Starkman, một nhà vật lý trị liệu thể thao và chỉnh hình làm việc tại Canada chia sẻ, chóng mặt một chút thì bình thường nhưng không nên thường xuyên xuất hiện.

“Nếu liên tục chóng mặt khi tập, thì tìm gặp bác sĩ sẽ là việc nên làm đầu tiên. Mặc dù nói thế nhưng nhiều người chỉ bị chóng mặt tạm thời khi thay đổi vị trí tập luyện mà thôi”, ông nhấn mạnh.

Một lí do khác dẫn đến chóng mặt là thói quen ăn uống. Nhu cầu ăn uống của mỗi người khác nhau, nhưng nếu thường xuyên để bụng đói khi tập luyện, bạn có thể sẽ cảm thấy bủn rủn, mệt mỏi trong lúc tập, ông Starkman chia sẻ.

3. Đổ bệnh

img

Bài tập phù hợp sẽ giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, tuy nhiên, tập luyện quá sức có thể phản tác dụng, khiến bạn mất sức, đổ bệnh.

“Tập thể dục là điều tuyệt vời, và khi hoàn thành vừa tầm, nó thực sự sẽ giúp hệ thống miễn dịch của bạn được cải thiện theo thời gian. Dù vậy, khi cường độ tập luyện quá căng, hệ miễn dịch sẽ suy yếu trong một vài giờ, khiến chúng ta dễ bị bệnh hơn”, Starkman nói với Insider.

Nếu liên tục mệt mỏi, bị ốm, bạn sẽ muốn đánh giá lại lịch tập của mình đó và hãy chắc chắn lên một kế hoạch khoa học với đủ ngày nghỉ ngơi và nhớ nạp năng lượng trước và sau tập luyện nhé.

4. Gặp khó khăn với giấc ngủ

img

Thể dục thể thao vốn có đóng góp lớn cho chất lượng giấc ngủ, thế nhưng đến nửa đêm mà còn nằm trằn trọc thì có thể bạn đang tập luyện quá sức.

“Mất ngủ là một dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh giao cảm của bạn không hoạt động lành mạnh và có liên quan trực tiếp đến việc tập thể dục quá nhiều”, Chelsea Axe, một bác sĩ được chứng nhận về phương pháp chiropractic và là một chuyên gia về sức khoẻ, chia sẻ.

“Một hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động quá mức và khó ngủ có liên hệ chặt chẽ với các bài tập yếm khí, như chạy nước rút và đặc biệt với bài rèn luyện thể lực nặng như đẩy tạ”.

Cô Chelsea giải thích, vì hệ thống thần kinh giao cảm có mối liên hệ mật thiết với phản ứng chiến-hay-chạy của não bộ nên những bài tập như thế có thể dễ dàng gây ra mất ngủ hoặc bồn chồn.

Tập sớm hơn trong ngày hoặc giảm tần suất và cường độ tập luyện có khả năng giảm bớt các vấn đề về giấc ngủ gắn liền với quá trình tập luyện của bạn, theo cô Axe. Cô cũng cho biết thêm, những hoạt động như thiền, yoga và mát-xa có thể có lợi với những trường hợp này.

5. Mệt mỏi cực độ

img

“Đau cơ là hiện tượng phổ biến đối với một hoạt động mới như tập thể dục, nhưng mệt mỏi quá mức thì không. Nếu ngủ đủ giấc mà vẫn siêu mệt, thì có thể là có một vài lí do”, Megan Ostler, một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận cho biết.

Theo cô Ostler, lí do mệt mỏi thường gặp ở phụ nữ là do thiếu máu do thiếu sắt. “Khi thiếu máu, cơ thể không thể vận chuyển đủ oxy và không có đủ oxy, cơ và cơ quan nội tạng cũng không thể hoạt động theo tự nhiên, bao gồm chuyển đổi chất dinh dưỡng thành năng lượng”.

Một lí do khác nữa đó là không tiêu thụ đủ lương calo trước và sau khi tập, cô Ostler chia sẻ, “Cơ thể chúng ta phải làm việc cật lực để đảm bảo ta không chết vì đói, nên khi lượng thức ăn nạp vào giảm hay cường độ tập thể dục tăng lên, cơ thể phải học cách thích nghi”.

6. Ăn không ngon

img

Dù khi áp dụng chế độ tập luyện mới bạn sẽ thấy mình đói hơn bình thường nhưng đột ngột nhận ra mình không đói nữa thì nên thận trọng cảnh giác.

“Nhiều vận động viên nói họ chỉ cần theo dõi cơn đói là biết cơ thể cần nạp bao nhiêu năng lượng. Nhưng không phải hầu đa các trường hợp đều thế. Nếu tập luyện ở cường độ cao, cơn thèm ăn của bạn thực sự có thể bị ức chế”, cô Ostler khẳng định.

7. Trầm cảm hay khó chịu

img

“Quá nhiều hoạt động hiếu khí có thể dẫn đến tình trạng quá tải giao cảm. Các triệu chứng của hiện tượng này bao gồm mệt mỏi, trầm cảm và hoạt động thể thao bị suy giảm.

Ngoài những rối loạn tâm trạng, các vận động viên tập luyện quá sức còn có thể gặp rối loạn tuyến thượng thận do nồng độ cortisol trong cơ thể quá cao”, cô Axe chia sẻ.

8. Nhịp tim thay đổi

img

Bác sĩ Axe cho hay, “Nếu là người mới bắt đầu bước chân vào con đường tập luyện, thì việc nhịp tim thay đổi là một tín hiệu đáng mong đợi bởi đó là lúc cơ thể đang tốt hơn. Nhưng với những người tập luyện dày dạn, sự thay đổi nhịp tim có thể là một cách dễ dàng để nhận ra các dấu hiệu sớm của tình trạng tập luyện quá sức”.

9. Đau cơ kéo dài

img

Emily Paskins, một huấn luyện viên cá nhân, cho biết: “Khi tập, bạn gây ra những vết rách nhỏ trên cơ. Sau quá trình đau nhức này, cơ bắp mới được xây dựng lên, phát triển hơn.

Tuy nhiên nếu tiếp tục ‘xé’ các múi cơ mà không có đủ thời gian cho chúng tái tạo, bạn sẽ bắt đầu rơi vào tình trạng đau nhức và tổn thương liên tục”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.