Điều tra

Dùng thủ đoạn tinh vi để buôn lậu, lừa người mua xe sang nguồn gốc từ Lào

27/06/2019, 12:16

Công an Hà Tĩnh đang tạm giữ 26 ô tô, trị giá trên 40 tỷ đồng; trên 201 biển kiểm soát ô tô, xe máy giả của Việt Nam và Lào.

img
Phương tiện có nguồn gốc từ Lào chỉ được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo cơ chế: tạm nhập - tái xuất (nguồn: Công an thị xã Hồng Lĩnh)

Công an thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vừa có thông báo về phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm làm giả, mua bán, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Theo đó, thủ đoạn được sử dụng là lợi dụng chính sách của Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới hai nước Việt – Lào qua lại biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu xe; Đột nhập, đánh cắp thông tin cá nhân về chủ phương tiện xe ô tô qua mạng internet để làm giấy tờ giả, hợp thức hóa ô tô nhập lậu để lưu hành, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng mạng internet để đăng tin quảng cáo tìm kiếm khách hàng, tiến hành giao dịch, trao đổi thông tin; tải các “phôi” giấy tờ, bằng cấp, mẫu chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Sử dụng các phần mềm máy tính và các kỹ thuật tinh vi để sản xuất con dấu, tài liệu giả; Sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện các hành vi trái pháp luật như: hợp thức hóa xe ô tô bất hợp pháp, cầm cố tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản,..

Theo cơ quan công an, đối với các phương tiện có nguồn gốc từ Lào chỉ được phép hoạt động trên lãnh thổ của nước ta khi thực hiện đúng các quy định tại Hiệp định liên vận năm 2009, Nghị định thư số 72 năm 2010 và Thông tư số 88 năm 2018 của Bộ GTVT theo cơ chế: tạm nhập và phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khi hết hạn.

Khi sử dụng các phương tiện này, người điều khiển phải có đầy đủ 7 loại giấy tờ (Giấy đăng ký, Sổ kiểm định, Bảo hiểm dân sự bắt buộc, Giấy phép liên vận, Tờ khai phương tiện tạm nhập tái xuất, Hợp đồng lao động của lái xe, Bản dịch Tiếng Việt). Không được tự ý mua bán, trao đổi như các phương tiện thông thường khác.

img
Nhiều xe ô tô hạng sang đang bị Công an tỉnh Hà Tĩnh tạm giữ (ảnh: Vietnamnet)

Trước đó, giữa tháng 6 Công an Hà Tĩnh triệt phá đường dây làm giả, sử dụng tải liệu giả, buôn lậu xe từ Lào về Việt Nam, bắt giữ 10 đối tượng, thu giữ nhiều xe hơi hạng sang.

10 đối tượng gồm: Trịnh Sỹ Hùng (SN 1993); Nguyễn Kim Long, (SN 1980) cùng trú ở Hà Tĩnh; Trần Quang Đông (SN 1991, trú Đồng Nai); Nguyễn Hữu Sỹ (SN 1982); Nguyễn Thao (SN 1980); Nguyễn Đức Điệp (SN 1978) cùng trú ở Bắc Ninh; Nguyễn Trung Kiên (SN 1978, trú Hà Nội); Lê Trần Vĩnh Thịnh (SN 1994, trú Đà Nẵng ) và Hoàng Đức Ý (SN 1983, trú Quảng Trị); Vũ Thế Hiệp (SN 1979, trú Khánh Hòa).

Đối tượng Đông đã lên mạng tìm hiểu và học cách làm giả giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, tem kiểm định, giấy chứng nhận thế chấp tài sản ngân hàng.... để hợp thức cho xe ô tô biển Lào, xe trộm cắp, xe không có nguồn gốc (kể cả những xe đã được chủ nhân đem giấy tờ cầm cố tại ngân hàng).

Sau đó Đông mua các dụng cụ về chế tác ra các sản phẩm như thật để bán cho những người có nhu cầu.

Với thủ đoạn này, cuối năm 2018 đến tháng 3/2019, Đông đã giao dịch với các đối tượng nói trên và một số đối tượng khác thực hiện làm giả trên 400 bộ giấy tờ. Mỗi bộ, Đông bán từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, thu lợi hơn 300 triệu đồng.

Công an Hà Tĩnh đang tạm giữ 26 chiếc ô tô các loại, trị giá trên 40 tỷ đồng; trên 201 biển kiểm soát ô tô, xe máy giả, mang biển kiểm soát Việt và Lào; 1 bộ dụng cụ chuyên để sản xuất biển kiểm soát ô tô, xe máy giả; trên 360 mẫu con dấu, trong đó 189 mẫu dấu tên của những người có thẩm quyền, 172 dấu cơ quan, tổ chức, 30 mẫu phôi giấy phép lái xe, máy in màu và máy đúc dấu của các cơ quan, tổ chức.

Theo Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ và đây mới chỉ là sơ kết giai đoạn 1, còn nhiều đối tượng chưa được bắt giữ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.