Nhà đầu tư vẫn viện nhiều lý do than khó
Hôm nay (15/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra tiến độ triển khai thu phí không dừng tại 3 trạm thu phí BOT: cầu Yên Lệnh, Hà Nội - Bắc Giang và Phả Lại.
Tại trạm thu phí BOT Phả Lại, ông Nguyễn Kiếm Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đại Dương (nhà đầu tư) dự án cho biết, thiết bị đã xong thiết kế kỹ thuật trình cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt; Đến 30/10 sẽ hoàn thành lắp thiết bị và đến 30/11 hoàn thành kết nối với hệ thống của VETC. Theo lộ trình 31/12 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, ông Kiếm đề xuất trong năm 2019 tạm thời lắp 2 làn. Lý do vì thời điểm này, việc dán thẻ của lái xe ít, doanh thu của VETC thấp. Nếu đầu tư tất cả các làn ngay trong năm nay sẽ rất khó khăn.
“Hiện doanh thu trạm rất thấp so với phương án tài chính, chỉ khoảng 500 triệu đồng/ngày do có nhiều đường ngang và miễn giảm thu phí. Cùng đó, dự án có tiến độ thu phí chậm nên ngân hàng không gia hạn cho vay. Doanh thu dự án giảm cũng khiến ngân hàng xếp vào nợ nhóm 4. Công ty hiện rất khó khăn về kinh phí, trong khi đó phải trích 3% trên doanh thu, tương đương với trước đây trong phương án tài chính nhà đầu tư được hưởng chi phí tổ chức thu", ông Kiếm lý giải.
Tại trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang, lấy lý do chi phương pháp xác định chi phí tổ chức thu đang có bất cập, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, chi phí tổ chức thu của VETC bao gồm 2 phần là chi phí thường xuyên và chi phí hoàn vốn. Điều này là không hợp lý, vì VETC phải lập dự toán chi phí tổ chức thu giống như nhà đầu tư BOT.
Theo báo cáo của Ban QLDA 2, dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO bao gồm 605 làn/44 trạm thu phí. Trong đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC lắp đặt là 187 làn/27 trạm, nhà đầu tư BOT lắp đặt và kết nối 418 làn/17 trạm.
Tính đến hết tháng 5/2014, VETC và các nhà đầu tư BOT đã triển khai được 115 làn/28 trạm đã được vận hành hệ thống thu phí không dừng. Số còn lại do chưa ký được hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT và VETC.
Dừng thu phí nếu không triển khai
Không đồng tình với việc kêu khó của các nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, thu phí không dừng là chủ trương của Quốc hội và Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu của dư luận xã hộ về minh bạch thu phí BOT.
Cơ quan quản lý Nhà nước đang triển khai những chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư nên không có lý do gì trì hoãn thu phí không dừng. Nhà đầu tư nào không triển khai là đi ngược với chủ trương này sẽ phải dừng thu phí.
"Muốn chỉ đạo tốt, triển khai dự án nhanh, hiệu quả, vấn đề số một là nhà đầu tư, cơ quan quản lý phải có nhận thức đúng về chủ trương này. Qua ý kiến của nhiều nhà đầu tư cho thấy, nhận thức còn mơ hồ về thu phí không dừng", Thứ trưởng nói.
Khẳng định, thu phí không dừng là bộ phận không thể thiếu của trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không thể lấy lý do để không triển khai. Đây là điều kiện bắt buộc của dự án BOT, trước đây các dự án chưa có thu phí không dừng thì giờ phải ký phụ lục hợp đồng để triển khai. Khi đưa thu phí không dừng vào thực hiện có thể tăng thời gian, lộ trình thu phí sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Về thắc mắc của nhà đầu tư về chi phí tổ chức thu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư BOT, Quyết định 06 của Thủ tướng đã cho phép VETC trích phần trăm doanh thu thu phí dự án BOT, nên không ảnh hưởng đến chi phí của nhà đầu tư BOT. Chi phí trích doanh thu cho VETC là để hoàn vốn dự án thu phí tự động không dừng cho nhà cung cấp dịch vụ VETC.
Về lo lắng của nhà đầu tư gặp khó khăn từ phía ngân hàng tài trợ vốn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng tạo điều kiện về nguồn vốn cho nhà đầu tư BOT thực hiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải triển khai lắp đặt thu phí không dừng ở tất cả các làn của trạm. Thủ tướng đã chỉ đạo nhanh chóng triển khai thu phí khong dừng ở các trạm BOT để công khai minh bạch. “Đến ngày 30/6 nhà đầu tư phải ký xong phụ lục hợp đồng và đến 30/10 phải lắp đặt xong thiết bị và đi vào vận hành. Bộ sẽ phê duyệt kế hoạch lộ trình thực hiện của từng trạm và báo cáo Thủ tướng và sẽ kiểm soát chặt chẽ tiến độ bằng kế hoạch này. Nếu đến 30/6 nhà đầu tư không ký hợp đồng sẽ dừng thu phí. Phải làm sớm để người dân hiểu về tính minh bạch thu phí BOT”, Thứ trưởng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận