Chuyện dọc đường

Đừng trả giá đắt từ việc vi phạm giao thông

25/01/2021, 06:30

Thay vì chấp hành hiệu lệnh của CSGT, họ lại sẵn sàng chống đối, tấn công người thi hành công vụ. Rồi đây những người này sẽ phải trả giá.

img

Chi cục trưởng Dân số kế hoạch hóa gia đình ở Tuyên Quang chống đối CSGT

Tôi viết những dòng này khi theo chân Tổ công tác thuộc Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT tại cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng vào một tối cuối tháng 1/2021.

Trời đã về khuya, nhưng dòng người và phương tiện không ngớt đổ về trung tâm thành phố. Các cán bộ chiến sĩ CSGT vẫn căng mình điều tiết giao thông, dừng xe những trường hợp nghi vấn để kiểm tra, xử lý, nhất là những tài xế có dấu hiệu uống rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện.

Cũng trong đêm, nhiều tổ công tác của Công an TP Đà Nẵng tiến hành tuần tra khắp các tuyến đường để xử lý “ma men” lái xe, đua xe trái phép nhằm đảm bảo an ninh trật tự, ATGT... Một chiến sĩ CSGT kể, từ khi thực hiện cao điểm Tết đến nay, các anh hầu như rất ít có thời gian ngơi nghỉ để tập trung tối đa cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết.

Nhìn các cán bộ chiến sĩ CSGT căng sức làm việc giữa dòng người đông đúc, tôi bất giác nhớ tới một số vụ việc vừa xảy ra gần đây.

Đó là vụ Chi cục trưởng Dân số kế hoạch hóa gia đình ở Tuyên Quang dù đã uống rượu say nhưng vẫn cố tình lái xe, khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra lại có những hành vi chống đối, gây bức xúc dư luận. Đó là trường hợp một thanh niên ở Hải Phòng cầm côn nhị khúc đánh tới tấp vào CSGT chỉ vì bị kiểm tra vi phạm...

Và còn nhiều trường hợp nữa, thay vì nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh của CSGT, họ lại sẵn sàng chống đối, tấn công người thi hành công vụ. Rồi đây những người này sẽ phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhưng tôi vẫn không sao lý giải được, vì sao họ lại làm như vậy?

Trước hết, vì sao họ không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông để khỏi bị phạt? Và với một hành vi vi phạm giao thông thông thường, vì sao nhiều người lại hành xử côn đồ, tấn công người đang thi hành công vụ để rồi phải trả giá quá đắt?

Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, năm 2020 xảy ra 33 vụ chống người thi hành công vụ, khiến 19 cán bộ bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 33 người có hành vi chống đối. Cục CSGT nhận định tình trạng chống lại CSGT diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm hết sức liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Ngoài nguyên nhân từ phía người vi phạm, Cục CSGT cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn có hiện tượng sai phạm, tiêu cực, nhất là văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sỹ khi tiếp xúc với nhân dân còn hạn chế, dẫn đến một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, thì tất cả mọi người đều phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu CSGT có tiêu cực hay sai phạm thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi giờ đây người dân đã có quyền giám sát trực tiếp quá trình làm nhiệm vụ của CSGT. Còn nếu không kiềm chế được cảm xúc nhất thời, hành xử côn đồ, chắc chắn sự việc sẽ đi quá xa. Nói cách khác, từ một cái sai nhỏ có thể dẫn tới cái sai lớn hơn, hậu quả phải chịu cũng lớn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.