Đến nay, cơ quan công an vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến 2 người chết, 10 người bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến 2 người chết, 10 người bị thương.
Trước đó vào sáng 11/7, ô tô 9 chỗ (hoán cải từ xe 16 chỗ) chở 11 người chạy trên cao tốc hướng Hà Nội đi Hải Phòng. Khi tới thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chiếc xe này đâm vào đuôi xe bán tải chở 3 người và dừng lại ở làn 120km/h, sát dải phân cách giữa.
Tài xế xe 9 chỗ và một người đi trên xe bán tải xuống đường giải quyết sự cố. Đúng lúc đó một chiếc xe 7 chỗ từ phía sau lao tới đâm trúng cả hai người khiến họ tử vong. Có 10 người khác trên xe 7 chỗ và 9 chỗ bị thương.
Quan sát clip ghi lại diễn biến vụ việc và thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, vụ tai nạn này rất có thể sẽ không xảy ra nếu như các tài xế thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến việc dừng đỗ xe trên cao tốc trong trường hợp khẩn cấp.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện trên đường cao tốc chỉ được phép dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng quy định thì người điều khiển xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được, phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Khi đang lưu thông, xe bị hư hỏng, gặp phải sự cố, tài xế cần lái xe về tay phải khỏi phần đường dành cho xe di chuyển. Hoặc nếu xe không thể di chuyển, người điều khiển cần đặt các vật dụng, cành cây trên đường để báo hiệu cho phương tiện khác biết và tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội cứu hộ giao thông.
Đó là quy định bắt buộc các tài xế cần phải nắm được khi lưu thông trên cao tốc. Bởi ai cũng biết, trên cao tốc, phương tiện được chạy với tốc độ rất cao. Riêng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phương tiện được chạy tối đa 120km/h.
Với tốc độ này, việc các tài xế dừng ở làn 120km/h lại không có cảnh báo phía sau thì chiếc xe 7 chỗ rất khó để xử lý. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cũng không thể loại trừ nguyên nhân tài xế xe 7 chỗ đã không làm chủ được tốc độ. Dù vậy, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế chúng ta chưa thể khẳng định được điều gì.
Tuy nhiên, giá như sau va chạm, việc cảnh báo được thực hiện, hoặc cả hai tài xế cho xe di chuyển sang làn khẩn cấp rồi tính chuyện đúng sai, có lẽ hậu quả thương tâm đã không xảy ra.
Tôi thường xuyên lái xe trên tuyến cao tốc này và thấy rằng, nếu tài xế dừng xe mà không bật đèn cảnh báo hoặc đặt vật dụng để cảnh báo, các xe di chuyển phía sau rất khó để nhận biết xe phía trước đang dừng hay đang chạy. Và khi đó, xe đang lưu thông với tốc độ cao, không ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng nó vẫn cứ xảy ra. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, an toàn hơn rất nhiều so với đi quốc lộ. Tuy nhiên, việc tham gia giao thông trên cao tốc cũng đòi hỏi tài xế phải cẩn trọng hơn rất nhiều, nắm vững các kỹ năng cũng như kiến thức về an toàn giao thông hơn.
Thực tế, từ những vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc gần đây cho thấy, hầu hết đều xuất phát từ lỗi hoặc sự chủ quan của các tài xế. Để không còn những vụ tai nạn đau lòng, không gì khác, mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Bởi chỉ cần một tích tắc chủ quan, hậu quả sẽ khó mà nói trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận