Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chiều 21/11 |
Chiều 21/11, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết dự án mở rộng QL30 đoạn An Hữu - TP.Cao Lãnh (Km1+200 – Km34+230 qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp) đã được phê duyệt đầu tư bằng hình thức BOT từ năm 2015.
“Sau hơn hai năm triển khai, dự án vẫn chưa có chuyển biến do phải chuyển đổi nhà đầu tư và việc phê duyệt khung chính sách còn gặp nhiều vướng mắc”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là trái Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21/10/2017 đối với các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT. “Nghị quyết 437 nêu rõ, hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới và có sự lựa chọn cho người dân. Trong khi, QL30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu và người dân không cho lựa chọn khi tiến hành thu phí. Địa phương đang rất băn khoăn bởi không làm thì tuyến QL30 sẽ trở thành nút thắt, còn làm tiếp lại vướng quy định và phản ứng của người dân”, ông Hùng nói và kiến nghị, Bộ GTVT lựa chọn hình thức đầu tư hợp lý cho dự án.
Bổ sung ý kiến, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc triển khai đầu tư QL30 bằng hình thức BOT là rất đúng đắn. “Về nguyên tắc, quy định pháp luật là không được xét hồi tố lại những quy định cũ. Dự án QL30 được phê duyệt đầu tư từ năm 2015 nên không vi phạm Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng bây giờ với hiệu ứng xã hội, chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ GTVT cân nhắc, xem xét phương án đầu tư trước khi khởi động lại dự án”, ông Hoan chia sẻ.
Trước kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án BOT QL30 đoạn An Hữu – TP.Cao Lãnh đáng lẽ phải dừng từ lâu vì nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát các trạm BOT còn bất cập để đưa ra giải pháp xử lý. Đặc biệt, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã nêu rõ, từ nay chỉ làm đường BOT trên những tuyến song hành, không làm trên đường hiện hữu”, Bộ trưởng nói và cho biết, nhà đầu tư mới của dự án đang chuẩn bị làm các thủ tục chứ chưa triển khai thi công.
Theo Bộ trưởng Thể, việc mở rộng dự án với quy mô nền đường 12m, mặt đường 11m cũng không giải quyết được vấn đề vì một bên là kênh, một bên là nhà dân, khiến công tác GPMB rất khó khăn. “Bức xúc trong GPMB, bức xúc khi thu phí, nếu tiếp tục làm thì xã hội và người dân sẽ phản ứng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Ban QLDA7 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) họp với nhà đầu tư để thương thảo các điều điều khoản trong hợp đồng và dừng hợp đồng dự án để bàn giao cho Tổng cục Đường bộ VN tiến hành duy tu, sửa chữa.
"Về lâu dài, QL30 đoạn An Hữu – TP.Cao Lãnh sẽ không mở rộng trên đường cũ. Tuyến đường này rất đông xe, giải pháp tốt nhất là chúng ta sẽ làm một tuyến đường mới song hành với tiêu chuẩn đường cấp cao, cầu, nút giao đồng bộ và quản lý như dự án đường cao tốc", Bộ trưởng nói và cho biết, trước mắt, tuyến đường song hành với QL30 sẽ đầu tư 2 làn, nền đường rộng 12m, mặt đường 11m, phần đất dọc tuyến đường sẽ được rào chắn để phục vụ cho nhu cầu tuyến đường mở rộng lên 4 – 6 làn xe.
“Dự án sẽ được đấu thầu để chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Làm như vậy chúng ta vừa có hạ tầng, vừa không gây bức xúc cho người dân trong quá trình thu phí. Chủ phương tiện có quyền lựa chọn, ai không muốn mất tiền thì đường QL30 cũ, ai muốn đi nhanh, an toàn thì đi tuyến đường mới và phải trả phí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng trao đổi một số vấn đề khác liên quan đến công tác đầu tư dự án QL30 đoạn TP.Cao Lãnh - TX.Hồng Ngự, đoạn TX.Hồng Ngự - Dinh Bà,…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận