Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, ở Việt Nam, tượng vua, tượng chúa thường để thờ khi ở không gian trong nhà. Có những vị vua lập nên triều đại, có công lao lớn với đất nước có thể xây dựng tượng đài đặt ngoài trời hoặc các quảng trường.
"Một ông vua mặc áo mão đặt ở trong nhà hoặc ở không gian nào đó thường tạo cảm giác thờ cúng chứ không tạo ra cảm giác biểu tượng. Không nên dựng một vị vua ở một nơi làm việc trong không gian văn phòng.
Ngoài ra, một vị vua mang biểu tượng cho Nhà nước chứ không mang tính biểu tượng cho công lý hay một ngành nghề nào đó. Vua ta có người giỏi cái này, có người giỏi cái kia. Nếu vậy, ngành Quân đội thờ một ông, ngành báo chí thờ một ông… thì sẽ như thế nào? Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ. Tôi nghĩ chúng ta không nên làm điều này hoặc nếu muốn thì nên lấy ai đó khác làm biểu tượng", ông Vĩ chia sẻ.
Trước đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Có 5 lý do để chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này như: Vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…
TAND Tối cao cũng có Văn bản 141 về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Hiện tại, tòa án đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Dự kiến, nếu được thông qua, tượng sẽ được đúc bằng đồng đỏ, kích thước chiều cao của tượng đặt tại trụ sở TAND là 5,3m. Ngoài ra, tượng dự kiến sẽ được đặt tại trụ sở tòa án các cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận