Thế giới

Được gì khi bỏ 1 triệu USD dự lễ nhậm chức của Donald Trump?

02/12/2016, 14:05
image

CPI cũng cho biết, PIC hy vọng sẽ thu về 65-75 triệu USD để chi cho các hoạt động ăn mừng lễ nhậm chức.

1 Gói vé tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc c

Một gói vé tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên đến 1 triệu USD.

Mới đây, tờ New York Times cho biết, Ủy ban Nhậm chức (Presidential Inaugural Committee - PIC) đưa ra kế hoạch cung cấp các gói vé có giá từ 25 nghìn USD tới 1 triệu USD cho các cá nhân và doanh nghiệp muốn tham dự, tài trợ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Gói vé “siêu VIP” trị giá 1 triệu USD

Trang web của Trung tâm Liêm chính công (The Center Public Intergrity - CPI), một tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận của Mỹ tiết lộ, gói vé thấp nhất trị giá 25 nghìn USD bao gồm hai vé tham gia cuộc diễu hành nhậm chức, xem biểu diễn ca nhạc, bắn pháo hoa, vũ hội, tiệc và hai chỗ ngồi trong lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.

Gói vé đắt nhất giá 1 triệu USD bao gồm: 8 vé VIP tham dự các sự kiện kể trên. Ngoài ra, loại này còn có bốn suất tiệc trưa cùng những người được bổ nhiệm vào Nội các mới và lãnh đạo Quốc hội, bốn suất ăn tối thân mật với Phó tổng thống Mike Pence và vợ, 8 suất dự tiệc trưa với các nữ thành viên gia đình Tổng thống, 8 suất ăn tối với sự xuất hiện của ông Trump, bà Melania và ông Pence.

Hiện, người phát ngôn của ông Trump cũng như ông Tom Barrack, Chủ tịch PIC và các thành viên của ủy ban này chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin được đưa ra bởi CPI.

Song, CPI cũng cho biết, PIC hy vọng sẽ thu về 65-75 triệu USD để chi cho các hoạt động ăn mừng lễ nhậm chức (dự kiến diễn ra trong bốn ngày từ 17-21/1/2017). Boris Epshteyn, Giám đốc Truyền thông của PIC nói thêm, tất cả khoản tiền dư ra sau khi trừ đi chi phí tổ chức các sự kiện sẽ được làm từ thiện. Theo một quan chức giấu tên thuộc PIC, năm nay, ông Trump đặt ra giới hạn đối với việc tài trợ lễ nhậm chức. Cụ thể, mức tài trợ tối đa với các tập đoàn là 1 triệu USD, song nhà tài trợ cá nhân lại không giới hạn. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ không nhận tiền từ các nhà vận động hành lang.

Craig Holman, một nhà vận động hành lang lâu năm thuộc nhóm Public Citizen nói: “Các vị có thể làm gì ngoài việc trưng ra các nguồn tài trợ? Các doanh nghiệp ném một số tiền khổng lồ vào một bữa tiệc ăn mừng tân Tổng thống và họ nghĩ như vậy sẽ “lấy lòng” được chính quyền mới”, theo CPI ngày 29/11.

Muôn màu lễ nhậm chức

Trước ông Trump, các đời Tổng thống Mỹ có những cách thức khác nhau trong việc “gây quỹ” tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống - một sự kiện ý nghĩa ở quốc gia rộng lớn này.

Năm 2009, Tổng thống Barack Obama giới hạn mức đóng góp cá nhân cho lễ nhậm chức ở mức 50 nghìn USD, cấm các tập đoàn, các nhóm chính trị và các nhóm vận động hành lang tham gia vào công tác này. Cũng trong năm này, các nhà tài trợ giàu có và Chính phủ Mỹ đã chi một số tiền kỷ lục: 170 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Obama - đáng nói, đây là thời điểm kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ. Ở nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, PIC thông báo số tiền đóng góp ở mức 43,8 triệu USD, trong đó có nhiều khoản tài trợ hàng triệu USD của các tập đoàn lớn như: AT&T, Boeing và Microsoft.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton lập kỷ lục về số bữa tiệc trong lễ nhậm chức năm 1993: 11 bữa tiệc. Năm 1997 - nhiệm kỳ thứ hai của ông Bill Clinton là 14 tiệc nhậm chức. Còn Tổng thống thứ 9 của nước Mỹ, William Henry Harrison giữ kỷ lục về bài phát biểu nhậm chức dài nhất, với 8.445 từ, khiến những người tham dự phải đội mưa gió và giá rét lắng nghe suốt hơn hai giờ đồng hồ. Chưa kể, bài phát biểu của ông còn bị đánh giá là “phô trương bản thân” quá nhiều.

Tờ ABC News thì dẫn lời tác giả Bendat, một nhà sử học về các đời Tổng thống Mỹ kể lại: Lễ nhậm chức năm 1961 của Tổng thống John F. Kennedy là lễ nhậm chức “hỗn loạn nhất” trong lịch sử nước này. Phó tổng thống Lyndon Johnson đã phá hỏng buổi lễ ngay từ lúc bắt đầu khi đọc sai lời tuyên thệ.

Sau đó, khi Đức Hồng y Richard Cushing lên cầu nguyện, bục đứng bỗng nhiên bị cháy do hệ thống điện bị chập. Chưa hết, khi nhà thơ Robert Frost lên đọc bài thơ mừng nhậm chức do ông sáng tác có tên là “Sự cống hiến”, ánh sáng quá chói khiến ông không thể đọc được. Phó tổng thống Johnson đã phải dùng mũ che cho ông Frost, nhưng mọi việc vẫn không khá hơn. Nhà thơ này sau đó phải nhớ lại một bài thơ cũ ông đã viết trước đó để… đọc lấp chỗ trống.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.