Giao thông

Được gì sau 2 năm ưu đãi phát triển vận tải thủy?

28/05/2018, 07:05

Sau 2 năm ưu đãi phát triển vận tải thủy, GTVT đường thủy chưa có được cú hích phát triển như kỳ vọng...

3

Bộ GTVT chỉ đạo các cục, vụ trực thuộc sớm đề xuất các cơ chế  ưu đãi thiết thực hơn với nhu cầu của doanh nghiệp vận tải thủy (Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc)

Doanh nghiệp phải vay tín dụng đen

Ông Trần Hữu Luận, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy cho biết, từ năm 2016 có ngân hàng cấm các chi nhánh cho vay đóng phương tiện vận tải thủy. Hiện tại, doanh nghiệp được vay nhưng với lãi suất 10-12%/năm, không khác gì so với các lĩnh vực kinh doanh khác. Không chỉ về phương tiện, doanh nghiệp khi đầu tư cảng cũng phải vay vốn thương mại thông thường và không được hưởng ưu đãi nào.

Đáng nói là trước đó, từ tháng 10/2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 45 về cơ chế, chính sách phát triển GTVT đường thủy nội địa. Trong đó, có chính sách hỗ trợ lãi suất cho dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. “Vận tải thủy phát triển mạnh, giúp giảm giá thành vận tải, góp phần phát triển nền kinh tế. Bởi ai cũng biết giá thành vận tải đường thủy rất rẻ, chỉ từ 200-500 đồng/tấn/km. Thế nhưng, cơ chế ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận vẫn đang ở… thì tương lai”, ông Luận nói.

"Điểm yếu trong cơ chế ưu đãi là chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp và ưu đãi cụ thể cho phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung cơ chế, đối tượng được hưởng ưu đãi, để đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp”.

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN phản ánh, cơ chế ưu đãi đã được ban hành nhưng lại không được cụ thể hóa nên với doanh nghiệp vẫn là điều xa vời. “Mới đây, chúng tôi đã gửi văn bản lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phản ánh việc có doanh nghiệp ở TP HCM và Vũng Tàu không được ngân hàng cho thế chấp phương tiện thủy để vay vốn kinh doanh. Khi vay vốn đóng tàu, ngân hàng bắt thế chấp nhà đất. Nhưng khi đóng xong, dù phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm nhưng lại không được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn”, ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, không ít trường hợp doanh nghiệp, chủ tàu phải vay một phần vốn tín dụng đen để đóng tàu, hoạt động vận tải. Cùng đó, luồng ở cảng Vũng Tàu có một đoạn cua tay áo bị cạn, bồi lấp khiến tàu lớn, tàu nhỏ khó hoạt động. Một doanh nghiệp kinh doanh cảng thủy đã xin được phép nạo vét luồng nhưng không triển khai được do không được ngành Tài nguyên - Môi trường cấp cho chỗ đổ chất thải nạo vét, ngân hàng không cho thế chấp tài sản hạ tầng cảng để vạy vốn.

“Cơ quan chức năng đáng lẽ “đóng cửa trước thì mở cửa sau” để giúp doanh nghiệp, đằng này lại đóng cả hai”, ông Liêm than.

Khắc phục hạn chế, bổ sung cơ chế ưu đãi

Tại Hội nghi sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 47 của Thủ tướng do Bộ GTVT tổ chức cuối tuần qua, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ Tài chính đã hướng dẫn một số chính sách ưu đãi như miễn lệ phí trước bạ cho tàu khách cao tốc, tàu thủy và tàu chở container đường thủy. Đồng thời, hiện đã có các hướng dẫn ưu đãi 10% trong 15 năm về thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư mới cảng sông. Tuy nhiên, hạn chế là chưa có hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vốn vay để đóng mới tàu, đầu tư hạ tầng đường thủy.

“Việc hướng dẫn thực hiện lãi suất vốn vay chưa thực hiện được do trong Quyết định 47 chưa quy định mức lãi suất ưu đãi của tổ chức tín dụng. Do đó, Bộ Tài chính chưa có cơ sở pháp lý để ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất”, ông Giang nêu.

Liên quan vấn đề trên, đại diện Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước VN cho biết, không có quy định cấm dùng phương tiện thủy dùng tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn, song trong quan hệ giao dịch giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng chủ động trong việc dùng tài sản để đảm bảo. Ông này cho biết, sẽ báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các trường hợp cụ thể được doanh nghiệp phản ánh để có hướng giải quyết.

“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng, ban hành hướng dẫn ưu đãi về lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện, hạ tầng đường thủy”, đại diện Vụ Tín dụng nói.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, sau 2 năm thực hiện Quyết định 47, nguồn vốn sự nghiệp dành cho bảo trì đường thủy đã tăng 20-30% so với trước, tạo điều kiện bảo đảm thông suốt luồng tuyến vận tải, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đường thủy. Điều này góp phần quan trọng vào kết quả tăng sản lượng vận tải thủy. Năm 2017, vận tải khách đạt 172,9 triệu lượt, tăng 173,8% so với năm 2014; vận tải hàng hóa đạt 249,6 triệu tấn, tăng hơn 133,5%. Tuyến vận tải pha sông biển dành cho tàu VR-SB hiện đạt hơn 1,2 triệu tấn/tháng.

Về phía các địa phương, đã áp dụng cơ chế miễn thuế trước bạ phương tiện thủy, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 4 địa phương đã ưu tiên kinh phí đầu tư cảng, bến thủy hàng hóa, bến khách ngang sông, 23 địa phương bố trí kinh phí lập quy hoạch, miễn giảm giá vé cho trẻ em, đối tượng chính sách; gần 600 người dân được hỗ trợ kinh phí đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn đường thủy.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải thủy chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tạo được cú hích phát triển GTVT đường thủy như kỳ vọng. “Các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cần đầu tư chất xám hơn nữa, Vụ Vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN cần sớm đề xuất Chính phủ cơ chế mới, phù hợp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa xuống đường thủy và tăng vận tải ven biển hơn nữa”, Thứ trưởng Nhật nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.