Các ngân hàng vẫn đang chờ đợi, nghe ngóng trong triển khai Nghị quyết của quốc hội về xử lý nợ xấu (ảnh minh họa) |
Mặc dù Nghị quyết về xử lý nợ xấu (có hiệu lực từ 15/8/2017) được cho là bước đột phá cho hệ thống ngân hàng, song nhiều đơn vị vẫn dè dặt, nghe ngóng, nhất là trong việc tổ chức lực lượng trực tiếp kê biên, thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngân hàng được thu giữ tài sản khi đủ điều kiện
Điểm đáng được quan tâm nhất, theo nghị quyết, đó là ngân hàng (NH) được quyền thu giữ tài sản trong trường hợp khách hàng vay vốn không trả được nợ, mà không nhất thiết đợi sau khi có phán quyết của Toà án. Đây được xem là bước đột phá, giúp các NH rút ngắn thời gian, chi phí xử lý tài sản đảm bảo, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, thực tế nghị quyết rất chặt chẽ chứ không hẳn đã “mở toang” như nhiều người vẫn nghĩ. Theo đó, nghị quyết chỉ có thời hạn 5 năm (15/8/2017-15/8/2022) và chỉ áp dụng với những khoản vay trước 15/8/2017. Cùng đó, ngân hàng chỉ được thu giữ tài sản thế chấp hội tụ đầy đủ các điều kiện bao gồm: Cho vay đúng quy định; Thế chấp đủ điều kiện; Hợp đồng bảo đảm phải có điều khoản: “Đến thời hạn không trả được nợ, bên có tài sản tự nguyện giao tài sản cho bên tổ chức tín dụng xử lý”.
Trong khi đó, các hợp đồng tín dụng ký trước khi có nghị quyết, phần liên quan đến tài sản bảo đảm, nếu là bất động sản đều không có điều khoản “tự nguyện” như trên. “Trên thực tế, các NH trông chờ nhất vẫn là cơ chế xử lý bất động sản bởi đó mới có giá trị cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản thế chấp”, ông Đức nói.
Vậy các NH trông chờ gì ở nghị quyết này? Trưởng phòng thu nợ một NH TMCP tại Hà Nội cho rằng, có 2 điểm nhấn của Nghị quyết đó là: Thứ nhất, là khẳng định chính thức quyền thu nợ của các NH mà lâu nay họ không được thực hiện đúng, đủ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong hỗ trợ NH thực hiện quyền này. Thứ hai, trong trường hợp NH khởi kiện ra Toà án, cơ quan này được giải quyết theo thủ tục rút gọn (không phải 3 lần hoà giải, thẩm định lại tài sản... như trước), giúp đẩy nhanh thời gian xuống còn khoảng 1 năm trở lại (trước nay thông thường phải mất từ 2-3 năm). “Giảm được thời gian, là giảm được chi phí, tăng giá trị tài sản sau khi thu giữ và giảm nhanh được tiến trình xử lý nợ xấu”, vị cán bộ này nói.
Đội “đặc nhiệm” xử lý nợ: lợi bất cập hại
NH sẽ triển khai hoạt động thu nợ như thế nào, tổ chức lực lượng siết nợ ra sao cho hiệu quả mà không bị lạm dụng, không gây phản cảm, xung đột gây những hệ luỵ tiêu cực về an ninh trật tự, an toàn xã hội? Báo Giao thông đặt câu hỏi này với hàng loạt lãnh đạo NH, song hầu hết đều “né” câu trả lời với lý do “nhạy cảm”.
Phó tổng giám đốc một NH quốc doanh giải thích, NH chưa triển khai gì vì đang chờ đợi thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tương tự, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hầu hết các NH đều trong tình trạng nghe ngóng cơ quan quản lý và nghe ngóng... lẫn nhau.
Từ năm 2015 trở về trước, hoạt động thu hồi nợ áp dụng theo Luật Dân sự 2005, cho quyền các NH được thu giữ tài sản thế chấp là động sản trong trường hợp người vay không trả được nợ và các hợp đồng bảo đảm với động sản đều có điều khoản: Đến hạn không trả được nợ sẽ giao tài sản cho NH thu giữ, xử lý. Nhưng riêng tài sản thế chấp là bất động sản, mọi phương án xử lý của NH chỉ được thực hiện sau khi có phán quyết của Tòa án. Thời gian xử lý một vụ việc như vậy thường kéo dài 2-3 năm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đã có phán quyết của tòa, thi hành án rồi mà không thực hiện nổi khiến cho khả năng thu hồi nợ của NH rất khó khăn. |
Chuyên gia xử lý nợ của một NH có tỷ lệ nợ xấu 2,75% tính đến quý I/2017, chia sẻ, vẫn chưa nhận được chỉ đạo nào của NH liên quan đến việc tổ chức lực lượng tăng cường cho hoạt động thu nợ theo tinh thần Nghị quyết mới. “NH vẫn có công ty bảo vệ riêng tồn tại hàng chục năm nay, khi cần vẫn huy động lực lượng đó tham gia thu nợ”, ông này cho biết và nhận định, NH sẽ không thành lập “đội đặc nhiệm” và cũng không áp dụng cách siết nợ như một vài NH đã và đang thực hiện.
“Khi siết nợ, trong nhà có két sắt, có dám bê đi không? Người ngồi trong nhà, có dám bế đi? Người có tài sản hoặc người thân của họ phản ứng, cán bộ NH cũng không kiềm chế được, dẫn đến xung đột gây thương tích, thậm chí có thể gây chết người, ai chịu trách nhiệm?... Do vậy, chủ trương của NH vẫn là thông qua các cơ quan chức năng, chuyên nghiệp hỗ trợ chứ tự NH làm không nổi”, vị chuyên gia nói.
Những e ngại vị chuyên gia này đặt ra không phải thiếu cơ sở vì một vài tình huống siết nợ quyết liệt bởi lực lượng “đặc nhiệm” của một số NH đã gây những tranh luận trái chiều, thậm chí gây phản cảm, bức xúc trong dư luận dù NH thực hiện đúng quy định. Đơn cử, trường hợp NH TMCP VPBank hồi tháng 3/2017, khi thu giữ tài sản là căn hộ ở nhà 17T2, Trung Hoà, Nhân Chính (Hà Nội) đã vô tình niêm phong nhà khi có người giúp việc ở trong nhà. Sau khi được công an phường phá cửa, đưa người bị nhốt ra khỏi nhà, chủ căn hộ, cũng là khách vay vốn đã tiếp tục đến Công an quận Cầu Giấy trình báo, cho rằng VPBank đã chiếm giữ trái phép nhà ở, giam giữ người trái pháp luật... Dù phía VPBank khẳng định kê biên tài sản đúng pháp luật, nhưng vụ việc cũng đã gây ầm ĩ khiến NH cũng phải tốn không ít công sức xử lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận