Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) vừa ra quyết định đuổi học sinh nói xấu giáo viên trên Facebook |
Liên quan tới vụ việc học sinh lớp 10 tại Thanh Hóa bị đuổi học vì nói xấu giáo viên trên Facebook, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên nhận định: Tất cả những hình phạt đối với trẻ vị thành niên trong nhà trường gây nguy cơ tước đi cơ hội thay đổi; giảm lòng tự trọng đều không được khuyến khích.
“Pháp luật cũng có những điều khoản khoan hồng đối với hành vi vi pham của trẻ vị thành niên bởi lẽ đây cũng là lỗi một phần do hệ thống giáo dục, môi trường xã hội và gia đình”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo chuyên gia tâm lý này, hình phạt đối với học sinh trong nhà trường trước hết phải mang tính giáo dục, dựa trên nguyên tắc tôn trọng học sinh, tạo cơ hội cho các em nhận biết và vượt qua sai lầm chứ không phải “triệt đường quay lại”.
“Đối với trường hợp cá biệt ngỗ ngược, cách thức chúng vẫn làm từ trước tới nay “bướng là biến”. Điều này chứng tỏ sự bất lực của nhà trường, sự thất bại trong giáo dục khi không còn cách thức nào khác để giúp học trò mình hiểu ra cái sai và cho chúng cơ hội sửa sai. Hậu quả là hình ảnh giáo viên trong mắt học trò khi bị đuổi học không những không được cải thiện mà còn trở nên xấu hơn, tồi tệ hơn! Thậm chí sau khi lòng tự trọng đã bị đánh mất, học sinh sẽ rất dễ có xu hướng trả đũa ở nhiều mức độ từ nói xấu tới những hành vi manh động bạo lực bên ngoài môi trường sư phạm”, ông Nam phân tích.
Trở lại với sự việc nhóm học sinh lớp 10 tại Thanh Hóa lập một nhóm trên Facebook để nói xấu giáo viên, ông Nam cho rằng, thay vì ra quyết định đuổi học ngay, giáo viên hãy thực hiện tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
“Khi nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc, giáo viên ắt sẽ đưa ra quyết định có phần vội vàng. Do đó, giáo viên nên bình tĩnh xem lại tất cả những nguyên nhân có thể dẫn tới những hành vi ngỗ ngược xấc láo của các em. Liệu những phát ngôn, hành vi của mình trên lớp đã phù hợp hay chưa, có điều gì khiến các em hiểu sai hay không? Liệu đây có phải là hành vi hùa theo bạn gây sự chú ý đối với người khác của lứa tuổi mới lớn? Khi bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, trực tiếp trao đổi với học sinh chắc chắn hình thức kỷ luật sẽ phù hợp hơn, để cho trẻ tâm phục khẩu phục, chấp nhận hình phạt”, vị chuyên gia dẫn giải.
Từng trực tiếp giải quyết nhiều “ca khó” đối với học sinh ngỗ ngược ngay trên lớp, ông Nam chia sẻ: “Giáo viên rất cần thực hành thuần thục kỹ thuật kiềm chế để không đi quá giới hạn. Cụ thể, đứng trước hành vi, lời nói hỗn xược của học sinh, giáo viên nên hơi cúi đầu không nhìn trực tiếp vào mặt học sinh để tránh bị kích động; cắn nhẹ đầu lưỡi để sao lãng cảm giác tức giận, đồng thời mồm mím lại ngăn không cho những câu nói “đổ dầu vào lửa” được thoát ra; bước xa học sinh 1 bước rồi chậm rãi nhấn mạnh hành vi hoặc lời nói của học sinh khiến mình không hài lòng và hẹn gặp em sau giờ học để nói chuyện”.
Ngày 31/10, lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) xác nhận đã ra quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh lớp 10A5 vì sử dụng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của Nhà trường. Ngoài ra, còn có 5 học sinh khác cũng bị kỷ luật. Trong đó, bốn em nam bị đuổi học 1 tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận