Theo ghi nhận, dự án cầu Cư Păm (tại Km 21+050, tỉnh lộ 9, đoạn qua huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư; do liên danh các nhà thầu gồm: Công ty Đại Thiên Trường, Công ty Đại Việt, Công ty TNHH Hoài Ân thi công với các hạng mục cầu và đường hai đầu cầu.
Mặt đường bê tông chờ nghiệm thu đã nứt ngang, dọc và được nhà thầu trám bằng nhựa đường rất " xấu xí. Ảnh: Ngọc Hùng
Hiện nay dự án đã thi công xong, chờ nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại phần đường dẫn đầu cầu tại Km 20+670 (hướng về huyện Krông Pắk), do Công ty TNHH Hoài Ân thi công mặt đường bị bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc.
Một số vị trí mặt đường bị lún, hai mặt đường vênh nhau gây xóc mỗi khi phương tiện lưu thông. Hiện có vị trí nhà thầu đang tổ chức bóc lớp bê tông lên để thi công lại nhưng không đảm bảo ATGT, cọc sắt chờ chĩa thẳng lên trời gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện đi qua.
Mặt đường bê tông nứt dọc kéo dài. Ảnh: Ngọc Hùng
Qua quan sát, trên khắp mặt đường bê tông bị bong tróc, lộ rõ đá phần dăm 1x2. Để "che giấu" lớp mặt bê tông bong tróc, nhà thầu đã đổ một lớp vật liệu lên bề mặt để xử lý, nhưng mặt đường vẫn bong tróc, loang lổ… Một số vị trí nứt, nhà thầu trám nham nhở bằng bằng nhựa đường rất " xấu xí".
Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đoạn đường trên, do Công ty TNHH Hoài Ân thi công, với giá trị hợp đồng hơn 12 tỷ đồng. Trước đó, do trét nhựa đường chưa kín, quá trình xe chạy và thời tiết mưa gió đã làm khe co giãn bị hở nên nền bị thấm nước, bị nứt. Hiện, chủ đầu tư đang cho xử lý lại. Chủ đầu tư chưa nghiệm thu, việc xử lý kĩ thuật này là bình thường".
Đoạn đường đang chờ nghiệm thu nhưng đã bong tróc, nứt chằng chịt khiến người dân đặt câu hỏi về chất lượng công trình. Ảnh: Ngọc Hùng
"Đối với bề mặt bê tông, do thi công sớm, trong quá trình thi công, phương tiện đi lại khiến lớp mặt bị bào mòn, sau đó nhà thầu đã xử lý bằng Xika (vật liệu chống thấm-PV) nhưng không chịu nổi, khiến lớp mặt bị bong lên. Công trình chưa nghiệm thu, nếu trong quá trình nghiệm thu không đạt sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại. Quá trình xử lý nếu nằm trong 2% cho phép của quy trình nghiệm thu thì đạt, nếu vượt quá sẽ cho làm lại. Trong đoàn nghiệm thu còn có Sở GTVT, đơn vị quản lý tuyến, nếu không xử lý được chắc chắn Sở GTVT không nhận”, ông Bách khẳng định.
Cũng theo ông Bách, công tác đảm bảo ATGT, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhà thầu nhưng lúc có lúc không. Chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu đảm bảo ATGT trong thi công.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại công trường:
Mặt đường bê tông bong tróc, loang lổ sau khi nhà thầu xử lý bằng Xika (vật liệu chống thấm). Ảnh: Ngọc Hùng
Trên khắp mặt đường xuất hiện vết nứt ngang dọc, kéo dài. Ảnh: Ngọc Hùng
Vết nứt ngang kéo dài hết mặt đường. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường loang lổ. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường bị lún, vênh nhau. Ảnh: Ngọc Hùng
Một vị trí được nhà thầu sửa chữa, không giăng dây cảnh báo, cọc sắt chỉa thẳng lên trời gây mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hùng
Mặt đường bị gãy. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo chủ đầu tư, một số vị trí bị lún đang yêu cầu nhà thầu bóc lên, thi công lại. Ảnh: Ngọc Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận