Thỏa thuận hợp tác đầu tư hai đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hôm 18/5 giữa hai tỉnh này với các nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn đang mở ra đường hướng phát triển kinh tế - xã hội và thị trường địa ốc ở hai tỉnh miền biên viễn.
Bờ sông Bằng Giang đang được chỉnh trang và các tổ hợp kiến trúc hai bên bờ đều được quy hoạch lại
Nối sông Bằng với sông Hồng
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 250km nhưng đường sá quanh co, khúc khuỷu, du khách muốn đến Cao Bằng thường mất 7 - 8 giờ đi ô tô với chất lượng đường sá từ Lạng Sơn - Cao Bằng khá tệ.
Bởi thế, hôm 18/5, khi thỏa thuận hợp tác đầu tư hai đoạn cao tốc qua tỉnh này được ký kết tại Cao Bằng, không chỉ lãnh đạo tỉnh mà người dân và giới đầu tư đều nức lòng. Khi hoàn thành, đường từ quê hương sông Bằng nối với Đồng bằng sông Hồng sẽ ngắn hơn, nhanh hơn.
Trong số những nhà đầu tư tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác làm cao tốc, có nhà đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), một doanh nghiệp lớn về bất động sản, xây dựng khu đô thị.
“Chúng tôi nhận thấy Cao Bằng có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới”, một đại diện VPI nói.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư hai đoạn cao tốc này theo hình thức PPP và các địa phương làm cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, hai đoạn cao tốc có tổng chiều dài 164km, có tổng mức đầu tư 23.187 tỷ đồng, kết nối vào tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn đến Cao Bằng.
Thông tin về cao tốc kết nối TP Cao Bằng với Thủ đô Hà Nội cùng với các dự án giao thông tại tỉnh này kích hoạt tích cực đến thị trường địa ốc. Tại TP Cao Bằng, trong năm 2021 toàn bộ dọc bờ sông Bằng (Bằng Giang) còn mấp mô sỏi đá, bờ sông gập ghềnh thì sang giữa năm 2022, công trình bờ kè đang được hối hả thi công.
Toàn bộ hai bên bờ sông đang được chỉnh trang thành tuyến đi bộ rộng rãi. Kiến trúc nhà cửa hai bên bờ cũng thay đổi, làm tăng giá trị.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND TP Cao Bằng cho biết, việc chỉnh trang bờ sông và kiến trúc 2 bên bờ nằm trong chủ trương quy hoạch đô thị và nâng cao giá trị bất động sản ở TP Cao Bằng.
Ngoài chỉnh trang, dọc bờ sông còn có các dự án khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà ở, cụm dân cư cao tầng…
Ngoài ra, tại Cao Bằng, tín hiệu tích cực từ hạ tầng giao thông cũng thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản, khu đô thị tăng tốc. Đó là dự án khu đô thị Bắc sông Hiến 700 tỷ đồng; dự án HP Galaxy Cao Bằng với 203 căn nhà phố thương mại…
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, một doanh nghiệp lớn về địa ốc, bất động sản cũng quan tâm đến thị trường Cao Bằng.
Trong chuyến khảo sát thị trường tại đây, ông Trung chia sẻ: ”Ngoài yếu tố thị trường tiềm năng, chúng tôi còn cho rằng đầu tư và hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị cho Cao Bằng còn là cách trả ơn người dân biên cương đã giữ vững phên giậu cho nước nhà”.
Đánh thức miền biên giới
Các nhà đầu tư từ TP.HCM đến Cao Bằng và xem bản đồ quy hoạch đô thị tại hiện trường, đồng thời đề xuất đầu tư các dự án
Đồng bộ với hạ tầng giao thông và đô thị, trước đó Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng đến năm 2040, bao gồm một vùng khoảng 30.000ha, gồm 31 xã và 3 thị trấn biên giới, từ xã Cần Nông (huyện Hà Quảng) đến xã Đức Long (huyện Thạch An).
Theo quy hoạch, khu kinh tế cửa khẩu này phân thành 4 vùng. Mỗi vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng.
Các trung tâm phân vùng này kết nối trực tiếp với các cửa khẩu phía Trung Quốc và kết nối với trung tâm TP Cao Bằng thông qua các tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, quốc lộ 3, 4, 34…
Tỉnh Cao Bằng còn sẽ quy hoạch, nâng cấp các cửa khẩu hiện có để tăng cường năng lực quan hệ kinh tế với phía Trung Quốc.
Một số cửa khẩu sẽ nâng lên thành cửa khẩu quốc tế như Lý Vạn. Quy hoạch, nâng cấp các lối mở thành lối thông quan như: Bản Giốc, Bản Khoòng, Pò Tập, Cốc Sâu…
Song song đó, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng còn cho biết, cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, tỉnh còn chú trọng phát triển du lịch với lợi thế miền biên giới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập trong nhân dân.
Sẽ có 4 khu/cụm du lịch chính gồm: Khu du lịch gắn với di tích lịch sử Pác Bó và di tích Kim Đồng (1.137ha); khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (1.000ha); khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ngườm Lồm - Nặm Khao (36ha) và khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao (sân golf), giải trí (khoảng 200 - 250ha ở huyện Trùng Khánh).
“Với các dự án giao thông đang khởi động và quy hoạch về du lịch, các khu kinh tế, chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản sẽ chuyển động tích cực, đem lại bộ mặt đô thị hiện đại và nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh nhà”, ông Ánh nói.
Trong chuyến khảo sát thị trường địa ốc Cao Bằng, khi đến thác Bản Giốc, nhìn dòng khách phía Trung Quốc nườm nượp nhưng địa thế bên bạn núi non chon von, trong khi phía Việt Nam có một dải đất hàng chục ha bằng phẳng, ông Nguyễn Đình Trung (Tập đoàn Hưng Thịnh) nghĩ ngay đến việc kéo dòng khách kia về phía Việt Nam.
Số liệu của ngành du lịch cho thấy, những năm trước dịch Covid-19, lượng khách Trung Quốc đến điểm du lịch này khoảng 1 triệu người/năm. Phía Việt Nam thì ít hơn.
Về việc gần đây “kéo” nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm đến các dự án hạ tầng giao thông, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ: “Thực tế cho thấy, khi dự án giao thông mở đến đâu thì thị trường địa ốc lan ra đến đó. Kéo các doanh nghiệp địa ốc quan tâm đến dự án giao thông, ngoài việc để chung tay huy động nguồn lực còn là cách để giới địa ốc quan tâm hơn đến những dự án có tính trách nhiệm xã hội, hiểu hơn về vùng đất, con người và gắn kết với địa phương”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận