Phố núi ngày nghỉ thưa vắng, đợi hơn chục phút, nhà xe cũng chẳng bắt thêm được vị khách nào. Hai người phụ nữ đứng tuổi tranh thủ ngày nghỉ đi thăm con học ở Hà Nội cũng sốt ruột thay cho nhà xe: “Thời buổi khó khăn, chạy xe cũng vất vả. Xe nhiều mà chẳng thấy khách, lấy đâu tiền. Đi lại giờ cũng sướng thật, xe phải chiều khách, chẳng bù thời xưa, có khi xe đông quá, vẫy mỏi cả tay cũng chẳng có xe đi”.
Sau gần nửa giờ chờ đợi, xe cũng bắt đầu hành trình. Tôi chắc mẩm, chỉ vài tiếng nữa là về đến nhà, không phải lo lắng gì chuyện xe cộ nữa. Nhưng đi được vài cây số, đang thiu thiu, bỗng tôi giật thót mình bởi chiếc xe phanh gấp, tiếng gọi khách í ới và giọng nhanh nhẩu của phụ xe: “Về đâu bác ơi! Hà Nội à, ngồi dịch vào để bác mới lên này ngồi xen với nhé”. Rồi chẳng mấy chốc, chiếc xe đã ken kín người. Mặc kệ khách đã ngồi kín ghế, phụ xe vẫn đon đả mời chào. Dù nhiều người trên xe phản ứng, nhà xe vẫn phớt lờ và liên tục nhồi thêm khách. Mỗi lần có khách mới lên xe, gã phụ xe đều luôn miệng nói: “Các bác thông cảm. Tí nữa sẽ có người xuống. Mỗi người lại ngồi hai ghế chẳng hết ấy chứ”.
Thôi thì xe là của nhà xe. Thượng đế lên xe rồi, trả tiền rồi. Nói mãi cũng nhàm, phàn nàn cũng chẳng đòi được ghế riêng nên khách cứ yên vị chịu đựng. Tận mắt chứng kiến việc coi thường hành khách, ngang nhiên quay vòng, bắt khách giữa đường của nhà xe, hai người phụ nữ lúc trước xót thương nhà xe, giờ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Đúng là đường dài mới rõ... nhà xe. Cứ ngỡ thời buổi văn minh, xe nhiều, khách ít, khách hàng là thượng đế. Chỉ mong các lực lượng chức năng tăng cường TTKS, xử nghiêm các nhà xe coi thường kỷ cương pháp luật để khách đỡ bị hành”.
Hồng Xiêm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận