Các bị cáo trong vụ án hầu tòa |
Sáng 16/11, phiên xét xử sơ thẩm ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo thuộc các công ty liên quan đến hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền".
Lên trước bục trả lời HĐXX đầu tiên trong buổi xét - hỏi sáng nay là "bóng hồng" Châu Nguyên Anh (SN 1979, cựu Giám đốc điều hành Công ty VNPT EPAY).
Trả lời HĐXX, Châu Nguyên Anh khai, bị cáo là người ký hợp đồng với Công ty Giải pháp Việt (GPV) nhưng bị cáo không biết dịch vụ mà Công ty VNPT EPAY làm trung gian gạch thẻ cho Giải pháp Việt là gì.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa 2 bên, hình thức thanh toán là chuyển khoản qua ngân hàng ở giai đoạn Rikvip còn giai đoạn Tip.Club (giữa năm 2015), Công ty GPV có đề xuất tách một lượng nhỏ trong sản lượng thanh toán bằng tiền mặt. Sau đó, EPAY mới thực hiện việc thanh toán bằng tiền mặt.
"Bị cáo được biết, đề xuất thanh toán bằng tiền mặt là từ khách hàng với bộ phận kinh doanh và Phạm Quang Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty VNPT EPAY đề xuất với bị cáo. Sau đó, bị cáo cùng trao đổi với các bộ phận trong công ty: kinh doanh (Phạm Quang Minh) và kế toán (Hoàng Thị Hà) và có chủ trương đồng ý thực hiện. Bị cáo cũng là người trực tiếp trao đổi với Công ty HQ mà người đại diện là anh Nguyễn Đình Chiến về việc Công ty EPAY đang có khách hàng có nhu cầu thanh toán sản lượng bằng tiền mặt, Công ty HQ có thể hỗ trợ được việc này không? Sau khi xem xét, anh Chiến đồng ý đề nghị đó và chia sẻ chi phí 0,5% trên phần sản lượng mà Công ty HQ hỗ trợ thanh toán tiền mặt cho khách hàng", Châu Nguyên Anh khai.
Về mặt chủ trương, bị cáo là người quyết định, sau đó giao cho các phòng khai thác, kế toán thực hiện. Tổng số hóa đơn mà bị cáo đã xử lý cho khách hàng khoảng 637 tỷ đồng trong số 49 hóa đơn do Công ty HQ xuất cho EPAY.
Trong thời gian hợp tác với Công ty GPV, EPAY được hưởng lợi gần 54 tỷ, toàn bộ số tiền hưởng lợi đều được hạch toán vào Công ty EPAY.
Trả lời luật sư, Châu Nguyên Anh cho biết, khi làm trung gian gạch thẻ, EPAY đã trực tiếp kết nối với nhà mạng Vietel, Vinaphone, còn với Mobifone thì ký trung gian qua một kênh khác. Châu Nguyên Anh cũng khai nhận không biết việc do Giải pháp Việt không thể kết nối được với các nhà mạng nên mới ký hợp đồng với EPAY.
Sáng 16/11, sau khi ngồi dự phiên xét xử chừng gần 1 tiếng, cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục rời khu xét xử và được đưa vào phòng y tế |
Khác với Châu Nguyên Anh, Phạm Quang Minh dù biết rõ dịch vụ là Rikvip vẫn quyết định hợp tác. Trả lời HĐXX, bị cáo Minh cho biết, mình là đầu mối liên hệ khách hàng, khi bắt đầu ký hợp đồng, VNPT EPAY được hưởng 13-14%, sau đó mức hưởng được nâng lên từ 15-16%. Bị cáo là người đề xuất trích hoa hồng cho Nguyễn Quốc Tuấn (nhân viên Công ty CNC). Có thời điểm, Minh còn được Tuấn cho tiền như để “cảm ơn” về sự hợp tác giữa hai bên.
Tháng 8/2016, bị cáo Minh biết được game bài Rikvip là bất hợp pháp nhưng vẫn tiếp tục hợp tác vì khi chạy sản lượng trở lại (có thời điểm hai bên dừng hợp tác) thì đối tác đã đảm bảo được tính hợp pháp.
“Thời điểm đó thị trường có nhiều loại game bài nên bị cáo không phân biệt được game bài nào là hợp pháp. Chỉ sau khi bị bắt, bị cáo mới biết sự hợp tác giữa hai bên là phục vụ cho việc đánh bạc. Bị cáo không nhận được bất kỳ cảnh báo nào về game bài này…”, bị cáo Phạm Quang Minh nói.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, HĐXX đã công bố nội dung đoạn “chat” trên mạng giữa Minh và một nick name có tên “Tuan Nguyen” để hỏi về danh sách các game bất hợp pháp. Nội dung đoạn chat này cho thấy Minh đã biết thông tin game bài Rikvip chưa được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép.
Theo cáo trạng của VKSND, tháng 9/2015, Nguyễn Quốc Tuấn (nhân viên công ty CNC) đã trao đổi với Phạm Quang Minh (Giám đốc kinh doanh Công ty VNPT EPAY), đề nghị VNPT EPAY thanh toán một phần sản lượng bằng tiền mặt đối với phần Công ty CNC không xuất hóa đơn.
Theo đó, Công ty VNPT EPAY sẽ chuyển tiền mặt cho người mà Công ty CNC chỉ định; đồng thời Tuấn thỏa thuận với Phạm Quang Minh trích phần trăm hoa hồng cho Tuấn là 0,5% trên tổng doanh thu, Tuấn trích lại 0,2% cho Phạm Quang Minh.
Để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn theo yêu cầu của Nguyễn Quốc Tuấn, Phạm Quang Minh và Châu Nguyên Anh thỏa thuận với Nguyễn Đình Chiến là người điều hành Công ty TNHH Đầu tư và phát triển HQ Việt Nam (Công ty HQ) để nâng khống doanh số đối với 49 tờ hóa đơn thuế GTGT do Công ty HQ xuất cho Công ty VNPT EPAY, với tổng doanh số là 1.264 tỉ đồng. Trong đó, doanh số nâng khống xác định là 657,244 tỉ đồng.
Sau đó, Châu Nguyên Anh chỉ đạo Hoàng Thị Hà là kế toán trưởng Công ty VNPT EPAY hạch toán, chuyển tiền cho Công ty HQ, rồi yêu cầu kế toán của Công ty VNPT EPAY liên hệ với Chiến để nhận séc rồi trực tiếp rút tiền từ tài khoản Công ty HQ giao trực tiếp cho Đoàn Thị Thu Hà của Công ty CNC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận