Hệ thống đường sắt của Mỹ bị đánh giá lạc hậu, nhưng để cải thiện thì vấp phải nhiều rào cản |
Trong chuyến công du sang Mỹ vừa rồi, bên cạnh những nội dung hợp tác quan trọng về quân sự, thương mại, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe không quên tiếp tục đề cập với Tổng thống Obama về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc sử dụng loại tàu viên đạn của Nhật để đưa cư dân của Thủ đô Washington D.C tới Baltimore trong vòng 15 phút.
Có cơ hội nhưng không dễ thành công
Trước tiên, có thể thấy Mỹ không thực sự là thị trường lý tưởng cho đường sắt cao tốc. So sánh với những quốc gia có hệ thống đường sắt phát triển như Nhật và các nước Tây Âu, nước Mỹ có diện tích rộng lớn. Chính vì thế, các thành phố ở cách nhau rất xa và máy bay được coi là phương tiện giao thông giúp tiết kiệm thời gian nhất khi di chuyển sang thành phố khác, so với một số loại tàu hỏa cao tốc hiện nay.
Theo Phó Giáo sư Michael Smart thuộc trường Đại học Rutgers, chuyên ngành Quy hoạch giao thông, với tàu điện từ của người Nhật, sẽ đến lúc, để đi từ New York đến Los Angeles, người Mỹ không cần dùng máy bay. Tuy nhiên, trong vài năm tới, nếu không muốn đi máy bay, họ vẫn chỉ có thể tự lái xe bất chấp dự án tàu viên đạn đã tiến thêm được một bước quan trọng khi đạt tốc độ hơn 600 km/h, phá vỡ kỷ lục thế giới của chính nó. |
Thứ hai, khác với Tokyo, Paris hay Barcelona, nơi hệ thống phương tiện giao thông công cộng hoạt động liên tục đón đưa khách tới điểm cuối, ở nhiều thành phố của nước Mỹ, hành khách tới ga là lập tức nhảy lên taxi hay thuê xe tự lái tới nơi họ cần đến. Điểm khác biệt nữa, ở Mỹ khi xuống ga vẫn còn phải di chuyển một khoảng cách khá xa mới về được đến nhà.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi là địa điểm lý tưởng để triển khai. Hành lang Đông Bắc (bao gồm Boston - New York - Washington) phù hợp nhất với đường sắt cao tốc. Với khoảng cách 200 dặm từ New York tới Washington và cả Boston, tàu cao tốc hoàn toàn có thể cạnh tranh về tốc độ với máy bay, thậm chí đến đích trong thời gian ngắn hơn nếu có các nhà ga đặt ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, những thành phố này đều có hệ thống giao thông chuyển tiếp, kết nối trong nội đô rất tốt.
Điều quan trọng tiếp theo là tuyến đường sắt trên hành lang Đông Bắc này có thể cạnh tranh tốt với xe hơi. Bởi vì ùn tắc khiến việc di chuyển trở nên mất thời gian và mệt mỏi, chưa kể các loại phí giao thông khiến đi ô tô vừa đắt đỏ vừa ngốn thời gian khủng khiếp. Một ví dụ nữa cho thấy, đường sắt cao tốc sẽ chắc thắng nếu triển khai ở khu vực này - đó là năm 2000, khi dịch vụ tàu đường sắt Acela của Amtrak triển khai trên tuyến New York - Washington, tàu này chưa phải cao tốc nhưng lượng hành khách đã đông đến nghẹt thở và nhanh chóng vượt xa lượng khách di chuyển bằng đường hàng không giữa New York và Washington.
Những rào cản chính trị, kinh tế
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là thiếu ý chí chính trị. Ở cấp liên bang, hỗ trợ dành cho dịch vụ vận tải khách bằng đường sắt không được chú trọng và Chính phủ cũng phân cấp việc quyết định cho các bang đặc biệt trong vấn đề ngân sách. Trong khi Quỹ tín thác đường bộ gần như phá sản, có thể thấy chính quyền liên bang sẽ xếp đường sắt siêu tốc - một sự đầu tư tốn kém, vào danh sách những dự án tương lai.
Không phải chịu sự chỉ đạo từ chính quyền liên bang, các bang hiện nay ngày càng có quyền điều hành và quyết định lớn hơn. Vì thế, dự án kéo từ bang này sang bang khác chắc chắn sẽ vấp nhiều rào cản. Năm 2009, chính quyền của ông Obama đã dành gần 1 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế cho hệ thống đường sắt cao tốc nối Chicago với Milwaukee và Madison. Một năm sau, Scott Walker, Thống đốc mới của Wisconsin phản đối tỷ lệ ngân sách bang này được cấp để thực hiện dự án, ngay lập tức mọi công việc trượt ra khỏi đường ray.
Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để hi vọng có thể nhìn thấy đường sắt cao tốc ở nước Mỹ. California cam kết sẽ xây một tuyến nối San Francisco - Los Angeles, kinh phí lấy từ nguồn ngân sách thu phí khí thải carbon. Bên cạnh đó, một vài dự án tương tự do tư nhân tài trợ cũng đang trong quá trình lên kế hoạch. Ví dụ, tuyến đường sắt Dallas - Houston với vận tốc lên tới 205 dặm/h sẽ hoàn thành vào năm 2021, không sử dụng bất cứ đồng nào từ ngân sách quốc gia. Một số công ty tư nhân đã bắt đầu xây dựng tuyến Miami - Orlando với vận tốc khiêm tốn 125 dặm/h và dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2017.
Tất cả những điều đó cho thấy phát triển đường sắt cao tốc ở Mỹ sẽ diễn ra từng phần. Thông qua sự kết hợp giữa tư nhân và chính quyền, nước Mỹ sẽ nhắm vào những nơi thực sự hoạt động hiệu quả, tạo ra những hành lang đường sắt cao tốc ngắn nhằm kết nối từng khu vực đông đúc với nhau và với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận