Với doanh thu 40 tỷ đồng/năm, bà Hồng được nhiều người dân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) gọi với biệt danh "nữ tỷ phú nông dân trồng vàng".
Mỗi năm bán 30 tấn đông trùng hạ thảo
Năm 2021, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc là một trong 9 người được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nữ nông dân xuất sắc. Nhiều năm nay, bà luôn là một nông dân tiêu biểu, đại diện cho TP Hà Nội trong những sự kiện quan trọng. Biệt danh "nữ tỷ phú nông dân" có lẽ xuất phát từ đây.
Bà Nguyễn Thị Hồng với sản phẩm đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc.
Nhờ khởi nghiệp thành công, Thiên Phúc đã giúp hàng trăm người dân ở Thanh Oai có công việc ổn định, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Điều này thực hiện được phần nào ước nguyện của cô nữ kỹ sư sinh hoá ngày nào.
Đến nay, Thiên Phúc đã mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Thanh Oai và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000m2, phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Đơn vị này mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu phôi giống, xuất bán khoảng 30 tấn đông trùng hạ thảo. Trong đó, khoảng 30% được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á. Tiên phong sản xuất đông trùng hạ thảo cordyceps militaris là lợi thế của Thiên Phúc, nhưng điểm nổi bật đưa Thiên Phúc chinh phục được cả thị trường nội địa và quốc tế nằm ở chất lượng.
Theo GS.TS Phạm Văn Ky, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, lượng cordyceps militaris trong đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc chiếm 70% so với lượng cordyceps militaris nguồn Tây Tạng, nhưng cao hơn rất nhiều so với loại của nước khác.
Có được thành quả này, theo bà Nguyễn Thị Hồng là do đơn vị luôn tham vấn các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong quá trình nâng lượng hoạt chất sản phẩm.
Bán đất, khóc cả đêm vì nấm chết
Tuy nhiên, để đến được thành công hiện nay, bà Hồng đã "lèo lái" Thiên Phúc vượt qua vô vàn khó khăn.
Phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc đảm bảo các điều kiện: sạch, vô trùng, ánh sáng đúng tiêu chuẩn.
Bà Hồng kể, đã bén duyên với đông trùng hạ thảo ngay khi còn là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội sau lần tham gia dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Ra trường, vào làm nhân viên kỹ thuật trong Nhà máy bia Kim Bài, bà dành mọi thời gian rảnh rỗi để đọc tài liệu.
Sáu năm ròng miệt mài nghiên cứu về loài nấm dược liệu quý hiếm này, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng về tiền bạc đầu tư, bà quyết định rời nhà máy bia để khởi nghiệp, mang theo hoài bão, tạo sinh kế cho người dân quê hương và làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2009, khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, bà Hồng gặp rất nhiều khó khăn, từ công nghệ đến mua con giống đều tự mò mẫm. "Tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong công việc, tôi còn phải tiết kiệm hết mức chi phí ăn, ở để dành tiền học.
Thế nhưng, kết quả thu về lại gần như bằng 0. Họ chỉ bán giống cho mình, còn bí quyết nuôi, cấy đông trùng họ không chuyển giao. Bằng những gì đã học lỏm, quay trở về Việt Nam thử nghiệm nuôi cấy với những con giống đầu tiên, tôi thất bại liểng xiểng", bà Hồng kể.
Một năm sau, cuối cùng dòng nấm đông trùng hạ thảo, hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin 0,37mg/g cũng thành công. Năm 2011, bà đã nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm khởi nghiệp.
Tưởng chừng sau những vất vả rồi cũng đến ngày được "hái quả", nhưng đến năm 2012-2013 lại là chuỗi ngày bi đát nhất của bà khi vay vốn thành lập công ty, đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà.
Đang làm với quy mô 500 lọ/mẻ, xưởng nâng lên 5.000 lọ/mẻ. Lúc đó, cả vạn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng. "Nhìn giá thể đông trùng chết ngổn ngang, có những đêm ngồi khóc ròng. Nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ, bởi tôi biết, chỉ có thành công mới trả được món nợ này", bà Hồng bộc bạch.
Tiền hết, áp lực từ mọi phía đều đổ sập đến, bà Hồng và cộng sự nhốt mình cả tháng không ra khỏi phòng thí nghiệm, chỉ nghĩ làm thế nào để mọc được cây. Thế rồi, mảnh đất cuối cùng của gia đình cũng phải bán để lấy tiền mua giống. Cả nhà chuyển vào ở ngay tại nhà xưởng.
Hàng trăm thử nghiệm được làm liên tiếp, đến khi hết tiền bán đất vẫn chưa tìm được nguyên nhân nấm chết. Đến nỗi, năm 2013, khi đi sinh đứa con thứ 3, không một xu dính túi, gia đình bà đã phải cắm chiếc xe máy duy nhất.
Say nghề "chạm" đến lòng người
Chứng kiến những ngày gian khổ của bà Hồng, dưới vai trò là cố vấn khoa học trực tiếp từ những ngày đầu khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, giảng viên khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Lâm Nghiệp bày tỏ sự nể phục về chí quyết tâm của cô kỹ sư sinh hóa.
Bà Nguyễn Thị Hồng trao đổi với đồng nghiệp về kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Theo bà Gấm, lý do khiến bà nhận lời đi cùng là thấy được chí lớn ở con người này. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố.
Trên thế giới, đông trùng hạ thảo được biết đến như một phương thuốc quý giúp tăng cường và cải thiện sức khỏe. Nhưng, sự đô thị hóa cùng với biến đổi khí hậu đã làm đông trùng tự nhiên vốn đã quý hiếm nay lại càng hiếm hơn. Vì vậy, việc dùng đông trùng hạ thảo tự nhiên trở thành một điều xa xỉ, chỉ có giới thượng lưu mới đủ điều kiện.
"Vì lẽ đó, bà Hồng nhen nhóm ước mơ, phải để người dân Việt Nam được dùng với mức giá hợp lý bằng chính sản phẩm Việt. Nỗi niềm trăn trở của bà Hồng về việc "những người học nghiên cứu như chúng ta còn không bắt tay vào làm thì còn trông chờ vào ai" đã trở thành điểm tựa gắn kết nhiều nhà khoa học đi cùng. Nhiều người nói, sự say nghề chạm đến lòng người của bà Hồng chính là cánh cửa đưa đến thành công ngày nay", bà Gấm kể.
Năm 2013, tìm được nguyên nhân nấm chết hàng loạt do thói quen ngày hôm nay cấy giống không hết thì để sang ngày sau cấy tiếp, song công ty đã không còn vốn để mở rộng quy mô.
Rồi may mắn cũng đến, khi vào một buổi chiều mùa đông, mọi người đang ủ rơm cho nấm thì có đoàn khách xuất hiện. Qua trò chuyện, nhận thấy ở bà Hồng tràn đầy nhiệt huyết, kiến thức và khát khao tạo việc làm cho nhiều người, nên đoàn khách quyết định đầu tư không hoàn lại cho xưởng hơn 300 triệu đồng.
Có vốn, Thiên Phúc sống lại và nhanh chóng mở rộng quy mô xưởng sản xuất ở Đà Lạt. Năm 2015, Thiên Phúc chính thức tung các dòng sản phẩm ra thị trường với các chiến lược bán hàng bài bản. Công việc làm ăn suôn sẻ, doanh thu hằng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Năm 2017, bà Hồng và cộng sự tiếp tục rong ruổi khắp các điểm núi non trên đỉnh Fansipan để tìm gen giống bản địa. Đến nay, bà đã tìm được 115 chủng giống đông trùng ở Hoàng Liên Sơn. Trong đó, có những chủng giống có hàm lượng hoạt chất cordycepin rất cao, lên tới 10mg/g.
"Việc tìm kiếm được các gen quý sẽ giúp Thiên Phúc bảo tồn và nâng chất lượng giống trong tương lai", bà Gấm cho hay.
Năm 2017, Thiên Phúc được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, năm 2019 đạt chứng chỉ FDI của Mỹ, xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2021-2022, sản phẩm của công ty này liên tiếp được ghi nhận Top 1, 2 hàng Việt Nam được người tiêu dùng bình chọn.
Bên cạnh việc nuôi trồng, Thiên Phúc còn đầu tư công nghệ máy móc hiện đại trực tiếp sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 30 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo dưới các dạng như viên nang, nấm tươi, sấy khô, dạng nước, viên nén, dạng cao cô đặc… và được bán tại các bệnh viện, nhà thuốc và hệ thống của hàng của 55 đại lý trên toàn quốc.
Các sản phẩm đặc trưng như: Viên ngậm bổ phế, trà, viên bổ thận, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm cho xương khớp… có mức giá dao động từ 90 nghìn đến 1 triệu đồng.
Những sản phẩm có mức giá cao hơn như: đông trùng hạ thảo quả thể tươi có giá 2 triệu đồng/hộp 100mg, sấy khô có giá 3,3 triệu đồng; đông trùng hạ thảo nguyên con thể tươi giá 8 triệu đồng/100mg gồm 120 con…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận