Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Đường đẹp, nông nghiệp "đón" dự án lớn

02/06/2015, 18:45

Đường HCM mới gần hoàn thành mà đã có tới 13 dự án chính thức đầu tư vào Tây Nguyên...

94

Đường HCM hoàn thành sẽ tạo điều kiện lớn cho các nhà đầu tư vào Tây Nguyên. (Trong ảnh: Trang trại bò của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai)

Tuy nhiên, đó lại là những dự án “khủng”, được áp dụng công nghệ cao, giúp đời sống đồng bào Tây Nguyên bớt khó khăn.

Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp

Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tại Măng Đen (Kon Tum) có quy mô ban đầu là 35.700 con bò sinh sản, sau đó sẽ nâng lên 111.880 con, gồm bò sinh sản và bò vỗ béo. Quy trình chăn nuôi của dự án là khép kín và áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào chăn nuôi. Dự án kỳ vọng sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum. Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng đón nhận dự án chăn nuôi bò sữa với 236 nghìn con, kinh phí đầu tư ban đầu là 6.300 tỷ đồng…

Tuy nhiên, để đưa bò giống từ Thái Lan vào Việt Nam, nhà đầu tư phải nhập theo cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), hoặc Mộc Bài (Tây Ninh) qua đường HCM về Kon Tum. Đến khi xuất hàng đi cũng phải vận chuyển theo đường HCM xuống TP HCM hoặc ra Đà Nẵng. Vì vậy, tháng 6, khi đường HCM hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi lớn cho nhà đầu tư.

Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào Măng Đen (Kon Tum) của Công ty CP Tập đoàn VinGroup được thực hiện theo mô hình nông nghiệp khoa học, hiện đại, cho ra đời các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn thân thiện, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Dự án này sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, đem lại lợi ích kinh tế lớn và bền vững cho doanh nghiệp và địa phương.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho biết: “Đầu ra của sản phẩm đã được doanh nghiệp tính toán rất kỹ. Có ba tuyến chính để sản phẩm của VinGroup xuống với đồng bằng. Tuyến thứ nhất là theo QL24 xuống Quảng Ngãi, tuy nhiên tuyến đường này hiện nay rất hẹp và khó đi. Tuyến thứ hai theo đường HCM về Đà Nẵng và tuyến thứ ba cũng vận chuyển theo đường HCM xuống TP HCM. Như vậy, việc hoàn thành đường HCM có ý nghĩa rất quan trọng cho quyết định đầu tư vào Kon Tum của Tập đoàn VinGroup”. 

Người dân hưởng lợi từ dự án nông nghiệp

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, đề án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên của Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực chất là đề án cho vay vốn phát triển mắc ca của ngân hàng này và sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm tiền vay của Công ty CP Him Lam. Mục đích đầu tiên là đồng hành và giúp bà con nông dân Tây Nguyên làm giàu trên mảnh đất màu mỡ và quý hiếm phù hợp với cây mắc ca.

Để thực hiện đề án, nhà đầu tư đã đăng ký xin các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 1 nghìn ha, chủ yếu là ươm giống và hình thành các vườn cây bố mẹ lâu dài là những cây đầu dòng. Nhà đầu tư cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm và phối hợp đơn vị bảo hiểm cung cấp bảo hiểm tiền vay 100%. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, người dân không mất vốn, bởi đã có công ty bảo hiểm và Him Lam gánh chịu. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có hàng chục ngàn hộ dân hưởng lợi từ dự án trồng cây mắc ca.

Đại diện ngân hàng cho biết: “Giao thông thuận lợi, chi phí vận chuyển nông sản giảm khoảng 6%, tạo điều kiện thuận hợi hơn cho dự án sớm thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên trong thời gian tới”.

Tương tự, dự án nuôi bò thịt tại Kon Tum sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy văn hóa, xã hội phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng nông thôn tại các xã thuộc huyện mới Ia H’Drai ngày càng phát triển. Dự án nuôi bò sữa tại Gia Lai cũng giải quyết việc làm từ 1 nghìn đến 2 nghìn lao động. Dự án xuất nông nghiệp công nghệ cao vào Măng Đen (Kon Tum) của Công ty CP Tập đoàn VinGroup cũng tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2015, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: “Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta, có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò mũi nhọn. Mặc dù có tiềm năng và lợi thế nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thu hút đầu tư. Trong đó, hạn chế cơ bản nổi lên là cơ cấu nguồn vốn đầu tư thu hút tại đây chưa hợp lý, chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước”.

Vì vậy, đường HCM hoàn thành tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nông nghiệp vào Tây Nguyên, góp phần giúp người dân nơi đây ngày càng giàu mạnh, bắt kịp với các tỉnh miền xuôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.