Phát triển - Kết nối

Đường giao thông xoá thế "thâm sơn cùng cốc" vùng biên viễn

29/11/2022, 16:25

Vốn là vùng khó khăn, nhờ Quốc lộ 18C được đầu tư, nâng cấp, nhiều bản, làng ở huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đã ngày càng no đủ.

Một thuở giao thông cách trở, cuộc sống "nhiều không"

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có chiều dài biên giới trên bộ hơn 40 cây số. Thực hiện chủ trương di dãn dân ra biên giới để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ đường biên, cột mốc, huyện Bình Liêu đã hình thành lên nhiều điểm dân cư mới từ Mỏ Tòng xã Hoành Mô đến Phật Chỉ, xã Đồng Văn...

Nhớ lại những năm tháng đầu tiên cùng bà con tự nguyện ra đây lập nghiệp, ông Chíu Văn Hạn, 76 tuổi, người dân tộc Dao Thanh Phán cho biết, khi đó, vùng này là khu hoang hóa không bóng người vãng lai. Lối vào chỉ là con đường mòn rậm rạp cỏ dại lút đến ngang đầu. Các hạ tầng khác phục vụ cuộc sống người dân chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
img

Quốc lộ 18C phẳng lỳ từ chạy qua các thôn, bản giáp biên ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã mở ra cơ hội làm giàu cho đồng bào các dân tộc nơi đây

"Gian khổ lắm, cuộc sống của bà con thực sự không khác "người rừng" vì điện không, trường học không, đường giao thông khó khăn, cách trở", ông Hạn nói.

Cũng do giao thông cách trở, nên cuộc sống của các hộ dân tại Phai Lầu một thời gian dài chủ yếu sống trong cảnh tự cung, tự cấp, sản phẩm hàng hóa làm ra cũng không ai mua, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo ở Phai Lầu luôn chiếm tới gần 100%.

"Không những thế, do có các con suối lớn, không có cầu, ngầm tràn, nên Phai Lầu thường xuyên bị chia vào mùa mưa lũ", ông Hạn kể.

img

Cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô và bà con bản Phai Lầu kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ chiêm năm 2022

Thiếu tá Phạm Bình Vọng, cán bộ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, cho biết, xác định để phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con Phai Lầu có cuộc sống ổn định hơn mà yên tâm ở lại nơi này sinh sống, góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương, cơ quan chức năng bắt đầu tập trung đầu tư nâng cấp tuyến đường tuần tra biên giới, xây dựng hệ thống phòng, chống đất đá sạt lở, đồng thời di dời các hộ nằm ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

"Một thời gian sau đó, tuyến giao thông vào Phai Lầu có thuận lợi hơn, những vẫn còn khó khăn, cách trở. Chỉ sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tuyến Tỉnh lộ 341 trở thành Quốc lộ 18C vào năm 2006, thì tuyến đường ven vành đai biên giới ở huyện Bình Liêu mới được đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn và trở thành tuyến đường để nhiều hộ gia đình trong các bản giáp biên vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu bền vững", Thiếu tá Vọng cho hay.

Đường mở ra, bà con có hướng thoát nghèo

Tuyến giao thông từ khu vực cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu kéo dài sang huyện Hải Hà xuôi xuống TP Móng Cái ban đầu gọi là tuyến đường tuần tra biên giới và trở thành Tỉnh lộ 341 của Quảng Ninh. Tới năm 2006, sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, tuyến Tỉnh lộ 341 trở thành Quốc lộ 18C.

img

Tuyến Quốc lộ 18C được đầu tư, nâng cấp từ Tỉnh lộ 341

Chỉ tay vào tuyến Quốc lộ 18C được thảm nhựa phẳng lỳ chạy qua thôn, anh Tằng Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phải Lầu, xã Đồng Văn phấn khởi: Từ con đường đất nhỏ, hẹp lại lầy lội, giờ thành quốc lộ bằng phẳng, rộng rãi, nông - lâm sản của bà con được thương lái thu mua giá không thấp hơn nơi khác, ai cũng phấn khởi đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nên cuộc sống của các hộ cứ thế ổn định lên.

img

Nhiều điểm du lịch trải nghiệm ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu ngày càng có nhiều người thích đến khám phá

Hiện, thôn Phai Lầu có 96 hộ với 329 nhân khẩu, hộ nào cũng ở nhà kiên cố, có xe máy đi lại, trong đó có nhiều hộ đã trở thành giàu có. Cũng do giao thông thuận lợi, hiện trong thôn có nhiều gia đình đang triển khai mô hình du lịch trải nghiệm, nên thu nhập ngày càng cao...

Tiếp tục hành trình theo Quốc lộ 18C hướng lên dãy núi Quảng Năm Châu hùng vỹ xuôi xuống địa phận huyện Hải Hà (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông đến bản người Dao ở Phật Chỉ, xã Đồng Văn cách Phai Lầu gần chục cây số.

Nằm ở lưng chừng dãy núi Quảng Nam Châu cao 1.507m so với mực nước biển, Bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn có không khí mát mẻ, mây mờ bao phủ quanh năm, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cho du khách tham quan, khám phá.

img

Hệ thống giao thông nông thôn ở bản Phạt Chỉ được đầu tư vào từng hộ

Thiếu tá Phạm Bình Vọng cho biết, Phật Chỉ là bản định cư mới được hình thành hơn chục năm nay với vài chục nóc nhà thuộc dân tộc Dao Thanh Phán di cư từ phía trong ra. Hiện cuộc sống của bà con đã tương đối đủ đầy, nhà nào cũng được ở trong căn hộ kiên cố.

"Cuộc sống ngày càng no ấm, giao thông thuận lợi, người dân ở các bản giáp biên trên địa bàn đã và đang thực sự là những “cột mốc sống”, nhưng tai mắt quan trọng cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn", Thiếu tá Phạm Bình Vọng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.