Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Đường Hồ Chí Minh đánh thức kinh tế Tây Nguyên-Vận tải hưởng lợi lớn

04/06/2015, 13:12

Đường HCM đẹp, doanh nghiệp vận tải giảm chi phí do rút ngắn thời gian chạy xe, giảm tiêu hao nhiên liệu...

92
Các doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện mới phục vụ hành khách khi đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) hoàn thành
Ảnh: Văn Tư

Đường HCM đẹp, doanh nghiệp vận tải giảm chi phí do rút ngắn thời gian chạy xe, giảm tiêu hao nhiên liệu và chi phí sửa chữa hao mòn xe. Từ đó, nhiều doanh nghiệp vận tải mạnh dạn đầu tư phương tiện vận tải mới, hiện đại.

Mạnh dạn đầu tư xe mới

Ngày trước, người dân Kon Tum muốn đi TP HCM hoặc ra Bắc luôn phải đợi xe khách các tỉnh đi qua. Thế nhưng, năm 2015, các đơn vị vận tải trên địa bàn Kon Tum mạnh dạn đầu tư xe giường nằm để tạo thuận lợi cho nhân dân.

Ông Bùi Ngọc Sĩ, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc cho biết: “Từ cuối năm 2014, nắm bắt thông tin đường HCM sẽ hoàn thành vào năm 2015, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư cho vận tải hành khách tuyến Kon Tum - TP HCM bằng việc mua năm xe ô tô khách Hyundai nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc với giá hơn 4 tỷ đồng/xe. Năm 2015 chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm 6 xe nhập nguyên chiếc nữa”.

Ông Nguyễn Hữu Quế, PGĐ Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết: Khi đường tốt, tốc độ vận hành tăng lên, thời gian đi lại trên tuyến Gia Lai - TP HCM giảm xuống, hai Sở GTVT Gia Lai và TP HCM đã thống nhất sắp xếp lại giờ xuất bến tại hai bến xe để thuận tiện cho người dân. Trước đây, Bến xe Miền Đông cứ 15 phút có 1 chuyến xe đi Gia Lai. Những xe đăng ký sau này phải đợi đến 20h30,... mới được xuất bến và như thế sẽ về Gia Lai muộn. Nay do đường tốt, tốc độ vận hành tăng lên nên mới đây, hai Sở thống nhất tại Bến xe Miền Đông cứ ba phút có một chuyến xe đi Gia Lai.

Ông Sĩ phân tích rất cụ thể lợi ích cho vận tải hành khách khi đường HCM đẹp sau nâng cấp mở rộng: “Nếu như trước kia cứ khoảng 10 đến 15 ngày xe ô tô Minh Quốc phải thay hệ thống phanh một lần, thì nay phải 20 ngày đến một tháng. Ngày trước đường xấu thường xuyên nổ lốp xe dọc đường và thay lốp xe liên tục, nhưng nay từ đầu năm 2015 đường HCM thảm nhựa đẹp, đến giờ không còn tình trạng nổ lốp xe dọc đường nữa”.

Chưa kể, trước kia đường xấu cũng hao xăng hơn, do bụi đường làm hư hỏng bộ lọc dầu, lọc khí, cộng thêm việc tài xế phải thường xuyên ra vào số, tăng giảm ga liên tục nên lượng dầu cũng tiêu hao nhiều hơn. Một điều rất quan trọng nữa là đường xấu, bộ cao su đệm sàn máy rất nhanh hỏng, nó ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống kết nối trên vỏ xe, khiến xe rất nhanh xuống cấp. Vì vậy, nhà đầu tư vận tải hành khách rất ngại đầu tư xe ô tô đắt tiền. Nay đường đẹp, không có lý do gì chủ đơn vị vận tải không đầu tư xe tốt để thu hút khách.

Tại Gia Lai, ông Trương Văn Luận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch Thuận Tiến cho biết: “Đối với tuyến đi TP Pleiku đi Hà Nội, trước đây chúng tôi không dám cho xe đi đường mòn HCM vì đường hỏng, dốc quanh co, vậy nên đi theo QL19 qua Bình Định. Tuy nhiên gần đây, với đường HCM đẹp, êm thuận, rút ngắn khoảng cách khoảng 150 km so với đường cũ qua QL19 nên chúng tôi chẳng dại gì đi theo lộ trình cũ. Trước đi QL19 qua Bình Định đến Hà Nội mất 28 giờ thì nay đi đường HCM chỉ còn 25 giờ. Còn đối với tuyến TP Pleiku đi TP HCM với cự ly khoảng 530 km hiện nay đi chỉ khoảng 12 giờ là tới nơi, nhanh hơn hai giờ so với một năm trước đây”.

Theo ông Luận mỗi ngày có khoảng 8 xe xuất phát từ hai đầu TP Pleiku và TP HCM, xe chạy ban đêm và đến bến ở hai đầu tuyến vào lúc 6h sáng hôm sau. Vì vậy, rất thuận lợi cho những người dân đi lại, học tập làm việc...

Phải nộp phí, doanh nghiệp vẫn có lợi lớn

Ông Nguyễn Xuân Đảnh, chủ Công ty Dịch vụ và Vận tải hàng hóa Tín Nghĩa vui vẻ nói: “Chưa bao giờ Tây Nguyên có đường đẹp như ngày hôm nay. Công ty có hơn 20 xe tải, chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản từ Đắk Lắk đi TP HCM và ngược lại. Nay đường đẹp, số lượng hàng hóa lưu thông nhanh, nhiều đơn đặt hàng được ký kết giúp công ty ăn nên làm ra. Trước đây chạy Đắk Lắk - TP HCM mất 12 giờ, nay rút ngắn xuống còn 9 -10 giờ, tiết kiệm được xăng dầu, nhớt và thời gian bảo trì xe lâu hơn. Trước kia, dàn xe tải của tôi chạy khoảng 25 - 26 nghìn km phải thay vỏ, nhưng giờ tăng lên 30 - 32 nghìn km. Vì vậy, đường đẹp nhưng có mở thêm trạm thu phí, tính chung lại doanh nghiệp vẫn lãi không hề nhỏ”.

Ông Nguyễn Hữu Quế, PGĐ Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho rằng: Đường HCM hoàn thành sớm hơn một năm đã giúp cho nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. Trong khi Sân bay Pleiku đang được nâng cấp, ngừng các chuyến bay thì việc đường tốt đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân rất nhiều.

Vừa qua, tại Gia Lai đã có ba doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phương tiện xe khách giường nằm đưa vào khai thác sau khi đường HCM đã được nâng cấp là: Công ty Đức Đạt đầu tư bốn xe giường nằm với số vốn trên 16 tỷ đồng; HTX vận tải Pleiku ba xe giường nằm, doanh nghiệp Vận tải Cô Hai đầu tư hai xe. Doanh nghiệp vận tải hành khách Hồng Hải cũng bỏ ra hơn 6 tỷ đồng để đầu tư 8 xe đưa đón khách trong nội TP Pleiku...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.