Dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì được Hà Nội coi là trục không gian cảnh quan, liên kết quận Ba Đình - Hồ Tây - Tây Hồ Tây - Trung tâm văn hóa du lịch Ba Vì. Dự án Được Thủ tướng "Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.
Theo trình tự, hiện nay Dự án đang ở khâu lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng bao gồm: báo cáo hiệu quả kinh tế kỹ thuật; đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư.
Báo cáo tóm tắt đánh giá tác động môi trường dự án Đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì do Tổng công ty CP Sông Hồng, đại diện liên danh nhà đầu tư, cung cấp tại Hội nghị lấy ý kiến nhân dân ngày 31/5, cho biết "Phạm vi giải phóng mặt bằng dài khoảng 3,26km, rộng 50m, đi qua địa phận phường Mai Dịch (Cầu Giấy), Phường Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm". Theo đó, Dự án đi qua một phần là đất nông nghiệp, ruộng trũng, còn lại là khu dân cư sinh sống ổn định lâu dài... Đặc biệt, tuyến đường chạy qua khu nhà ở tái định cư Phú Diễn mới được bàn giao năm 2011, cuộc sống người dân chưa ổn định, nhiều nhà đang trong quá trình xây dựng khiến cư dân choáng váng.
Nằm trong con ngõ nhỏ phía cuối khu tái định cư phường Phú Diễn, cửa hàng trà đá, bơm xe của gia đình cô Vũ Thị Thục vắng ngắt không một bóng người qua lại. Chiếc bơm xe đạp đứng cô quạnh dưới gốc cây trứng cá. Cô Thục đang loay hoay dọn dẹp đồ thô xếp chồng lên nhau lỉnh kỉnh trong gian bếp chật hẹp chừng hơn chục mét vuông.
Vừa dọn cô chia sẻ, trước năm 2011 cả nhà sống bằng nghề bán trà đá, bơm xe đạp ngoài mặt đường Quốc lộ 32, ngay sát cổng Trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội. Sau đó nhà nước thu hồi đất mở rộng đường chuyển gia đình cô về Khu tái định cư.
"Nhà nước thu hồi 40 mét đất đền bù diện tích tương đương nhưng phần nhà cũ là nhà cấp bốn đền bù không đáng kể nên khi tái định cư phải vay gần 1 tỷ đông để làm nhà mới đến nay chưa trả hết. Không những thế, giá đất đền bù ở mặt đường Quốc lộ 32 rẻ hơn đất tái định cư tại phường Phú Diễn nên phải đóng thêm tiền chênh lệch “hệ số K 1,8” tương đương 200 triệu mới đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Không còn chỗ xoay sở, vay mượn nên gần chục năm sinh sống gia đình vẫn chưa có tiền làm sổ đỏ", cô Thục than thở.
Nói về chuyện thu hồi đất tái định cư làm đường, cô Thục thay đổi thái độ, giọng gay gắt “Giờ lại đe dọa mất nhà mất cửa không biết đi đâu, làm gì để xây dựng lại khi nợ cũ còn chưa trả hết. Nếu đã có dự án rồi thì đừng đưa chúng tôi về đây, làm nhà rồi lại lăm le lấy đất”.
Tương tự, Cô Đặng Thị Huệ (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) bị thu hồi 252 mét vuông phục vụ làm tuyến đường đường Phạm Văn Đồng vào Trường Đại học Mỏ Địa chất. Vừa làm xong nhà khu tái định cư, chưa kịp về ở thì đã nhận thông tin có khả năng bị thu hồi “Chúng tôi đã một lần hy sinh di dời để phục vụ giải tỏa xây dựng phục vụ công ích, lợi ích xã hội đến nay lại bắt phá nhà di dời tiếp, bao giờ chúng tôi mới ổn định làm ăn sinh sống? cô Huệ bức xúc”.
Không chỉ có gia đình Cô Thục, cô Huệ, theo quan sát của PV Báo Giao thông và tài liệu của người dân cung cấp, trong khu tái định cư còn có hàng chục ngôi nhà đang xây dựng, có những ngôi nhà cao tầng đang hoàn thiện lăn sơn chưa kịp về ở, chưa kịp nhận giấy chứng nhận sử dụng đất đã lo di dời.
Để giải đáp những thắc mắc của người dân về thực tế số lượng hộ dân thu hồi, hình thức đền bù cho những hộ dân tái định cư, đặc biệt là những hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, PV Báo Giao thông đặt lịch làm việc với Ủy ban nhân dân phường Phú Diễn, Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm nhưng hơn hai tuần với rất nhiều cuộc điện thoại vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận