UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có buổi làm việc với đại diện Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và UBND TP Cần Thơ về Chương trình Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sơ đồ dự án.
Tại buổi làm việc, UBND Đồng Tháp đã đề xuất thực hiện dự án hợp phần I: “Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang (đoạn từ cầu Ô Môn đến TP Sa Đéc)” và hợp phần II: “Dự án cầu Sa Đéc qua sông Tiền”.
Trong đó, hợp phần I có chiều dài 45,59km. Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 4.600 tỷ đồng (tương đương hơn 196 triệu USD).
Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền gồm hai nhánh:
Nhánh 1, từ đường Vành đai ĐT848 hiện hữu TP Sa Đéc đến đường ĐT849 để kết nối với đường cao tốc N2B tại nút giao Tân Mỹ huyện Lấp Vò, chiều dài 11,21km. Nhánh 2 đoạn từ nút giao với nhánh 1 tại trung tâm xã Long Hưng A đi QL80 có chiều dài 6,48km
Tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang (đoạn từ cầu Ô Môn đến TP Sa Đéc) có chiều dài tuyến 18,5km. Điểm đầu tại vị trí cầu Ô Môn giao với QL54. Điểm cuối giao với nhánh 1 của tuyến hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam Sông Tiền (Km 1+700) tại vị trí quy hoạch đường Vành đai 2 (TP Sa Đéc).
Thời gian chuẩn bị thực hiện năm 2022-2023 giai đoạn thực hiện là 2024-2029 và dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2030.
Còn hợp phần 2 “Dự án cầu Sa Đéc qua sông Tiền” có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 8.000 tỷ đồng tương đương 338 triệu USD. Điểm đầu giao với nhánh 1 của Dự án Hạ tầng giao thông khu vực Nam Sông Tiền (khoảng Km 1+ 700); điểm cuối giao với cao tốc An Hữu - Cao Lãnh tại nút giao ĐT850.
Chiều dài tuyến 13,5km, trong đó phần cầu Sa Đéc là 2,5km, còn lại là đường dẫn 2 đầu cầu.
Phần cầu Sa Đéc có quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế là 80km/h, tải trọng HL93. Tĩnh không thông thuyền cấp đặc biệt vượt sông Tiền được tính cho tàu 10.000 tấn. Về thiết kế, kiến nghị phương án cầu dây văng dầm thép liên hợp.
Dự án dài hơn 80 km, điểm đầu giao với cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, vượt sông Tiền đến TP Sa Đéc, giao QL80, đi về huyện Lai Vung. Sau đó, giao QL54 rồi vượt sông Hậu qua quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Tuyến tiếp tục đi về phía tây, lần lượt giao QL91 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chạy qua huyện Thới Lai để đến điểm cuối tại nút giao với cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).
Giai đoạn 1 công trình dài 62km, từ điểm giao với QL80 tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đến vị trí giáp với TL963, ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Vốn đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng; dự kiến xây dựng ở giai đoạn 2024-2028, sau đó tiếp tục giai đoạn hoàn thiện.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá tuyến hành lang liên tỉnh này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế 3 địa phương và miền Tây. Tuyến cũng nằm trong quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt.
Dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh phát triển một số trục kinh tế đến các đầu mối vận tải, các khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại và liên kết vùng.
Ông Nghĩa đề nghị Bộ KH&ĐT, ADB, JICA xem xét hỗ trợ để các dự án này sớm triển khai. Đồng thời, cam kết, Đồng Tháp sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan liên quan để phát huy hiệu quả dự án, cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn trả vốn vay khi thực hiện dự án.
Sau khi nghe báo cáo đề xuất, ADB đề nghị tỉnh Đồng Tháp có báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tác động liên quan của dự án... Sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt, phía ADB sẽ chính thức thẩm định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận