img

Thời gian qua, hàng loạt các tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam như Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn được đưa vào khai thác. Gần như ngay lập tức, hiệu quả có thể đo đếm được, mở ra những cơ hội phát triển rất lớn.

Đường mở tới đâu, cơ hội làm giàu tới đó - Ảnh 1.

Tính đến nay, đã 4 tháng kể từ ngày tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ (QL) 45 hoàn thành, đi vào khai thác (từ ngày 29/4).

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ngoài việc giải quyết vấn nạn ùn tắc trên QL1A, nhờ có tuyến cao tốc này mà thời gian từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 tiếng.

Nhờ đó, Thanh Hóa đã đón lượng khách du lịch kỷ lục gần với 1,2 triệu lượt khách chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ, tổng thu từ du lịch đạt 2.865 tỷ đồng, tăng 48,3% so cùng kỳ 2022.

Trong ba tháng kể từ ngày cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe, du lịch Thanh Hóa tiếp tục ghi dấu ấn khi đón trên 6 triệu lượt khách, tăng 22% so với cùng kỳ 2022, tổng thu đạt 13.860 tỷ đồng, tăng 21,3% so cùng kỳ 2022.

Riêng lượng khách đến Sầm Sơn trên 5,5 triệu lượt, tăng 18,6%, tổng doanh thu đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ 2022.

Theo ông Liêm, không chỉ khởi sắc về du lịch, việc đầu tư tuyến đường là đòn bẩy thu hút nhiều nhà đầu tư.

Tại các nút giao liên thông với cao tốc Mai Sơn – QL 45, tỉnh Thanh Hoá đã quy hoạch 5 khu công nghiệp để phát triển kinh tế

Tại các nút giao liên thông với cao tốc Mai Sơn - QL45, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch 5 khu công nghiệp để phát triển kinh tế.

Kể từ ngày khánh thành cao tốc Mai Sơn - QL45 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án (trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 753,6 tỷ đồng và 88,6 triệu USD.

Trong đó phải kể đến một số dự án lớn như nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 501 tỷ đồng; nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại huyện Thiệu Hóa, tổng vốn 996 tỷ đồng; nhà máy may Sakurai Việt Nam 2 tại huyện Hoằng Hóa, tổng vốn đầu tư 901 tỷ đồng…

Riêng đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay là 81 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 145.500 tỷ đồng.

Đường mở tới đâu, cơ hội làm giàu tới đó - Ảnh 3.

Hầm Tam Điệp (dự án cao tốc Mai Sơn - QL45) và cầu vượt hồ Yên Mỹ (dự án QL45 - Nghi Sơn)

Hầm Tam Điệp (dự án cao tốc Mai Sơn - QL45) và cầu vượt hồ Yên Mỹ (dự án QL45 - Nghi Sơn).

Tại miền Trung, sau gần 8 tháng khánh thành đưa vào khai thác, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã mở cánh cửa kết nối Thừa Thiên - Huế với Quảng Trị, miền Trung, giảm thời gian lưu thông, phân lưu, giảm tải lưu lượng phương tiện trên QL1, góp phần thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

"Từ khi có tuyến cao tốc, các dịch vụ, trạm dừng nghỉ, ăn uống mở ra ồ ạt, khách du lịch về địa phương tăng đáng kể so với trước", ông Trần Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay.

Theo ông Linh, trước đây từ Cam Lộ muốn vào Huế, Đà Nẵng phải xuống Đông Hà rồi lưu thông tiếp.

Nhưng giờ có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, từ Cam Lộ theo tuyến cao tốc này vào Đà Nẵng sẽ nhanh hơn hơn cả giờ đồng hồ, vào Huế cũng được rút ngắn vài chục phút so với đi QL1.

"Đặc biệt, cùng với tuyến Vạn Ninh - Cam Lộ tới đây hoàn thành đưa vào khai thác, chắc chắn việc lưu thông, giao thương sẽ lớn hơn nhiều.

Quanh khu vực kết nối tuyến và nút giao liên thông, huyện đã tiến hành quy hoạch một số khu dịch vụ kho bãi, thương mại, dịch vụ kết hợp dừng nghỉ, ăn uống và công nghiệp, sân golf", ông Linh cho biết thêm.

Dự án QL45 - Nghi Sơn

Dự án QL45 - Nghi Sơn.

Tại Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua huyện có nút giao tại Phong Mỹ.

Đây cũng là điểm bắt đầu tuyến tỉnh lộ 9, nối thẳng từ cao tốc xuống QL1 - Khu công nghiệp Phong Điền về đến xã biển Điền Lộc, nơi được định hướng là đô thị biển, kết hợp cảng biển trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn không chỉ giảm tải cho các trục giao thông Bắc - Nam mà giúp kết nối liên thông các tỉnh miền Trung, đi qua vùng có nhiều quần thể di tích, danh lam, thắng cảnh. Đây là cơ hội rất lớn cho các địa phương.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: "Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển liên vùng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… mà còn mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch.

Đặc biệt, khi nút liên thông với QL15D và tuyến từ cảng biển Mỹ Thủy - Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị lên QL15D - cửa khẩu quốc tế La Lay được đầu tư hoàn thiện sẽ tạo trục kết nối liên hoàn, rút ngắn quãng đường vận tải từ cửa khẩu quốc tế La Lay rất nhiều so với hiện nay".

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp giảm tải trên QL 1

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp giảm tải trên QL1.

Đường mở tới đâu, cơ hội làm giàu tới đó - Ảnh 7.

Chỉ trong một tháng hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được thông xe (lần lượt ngày 29/4 và 19/5), kéo Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM xích gần lại, tạo cú hích quan trọng phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam.

Trước đây tuyến QL1 qua TP Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và Hàm Tân (Bình Thuận) thường xuyên ùn tắc, thì nay đã giảm nhiệt không còn cảnh khói bụi, ồn ào…

Bởi từ khi thông xe cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ô tô đều chọn lộ trình đi cao tốc, vừa rút ngắn hành trình, tiết kiệm thời gian chỉ còn khoảng 2 giờ so với 4 - 5 giờ đi QL1.

Đầu tháng 7, sau khi tất cả các nút giao được đưa vào khai thác, xe cộ nườm nượp đến các điểm du lịch núi Chứa Chan (Đồng Nai), La Gi, resort ven biển Bình Thuận, Mũi Né…

Vừa cùng gia đình trải nghiệm kỳ nghỉ hè tại một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phan Thiết (Bình Thuận), anh Lê Cương (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ: "Trước đây đi Phan Thiết rất vất vả, nhanh cũng mất hơn 4 giờ. Nhưng nay có cao tốc, sau khi ăn sáng, vào cao tốc chạy một lèo đến Mũi Né chỉ mất hơn 2 giờ 30 phút.

Đến nơi chúng tôi còn nhiều thời gian đi mua sắm. Bây giờ đến từ TP.HCM đến Phan Thiết ăn sáng, cà phê, tắm biển… về trong ngày là bình thường, điều mà trước đây là viển vông".

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Không chỉ ngày lễ mà mỗi dịp cuối tuần, các tuyến đường nội ô trung tâm Phan Thiết, đường ven biển dập dìu ô tô mang biển số TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương qua lại.

Chị Diệp Thảo, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: "Đầu tháng 7 vừa qua, gia đình có đi dự tiệc cưới ở Phan Thiết, buổi sáng xuất phát, khi ra tới nơi vẫn còn thời gian đi cà phê, ngắm phố biển, đến trưa dự tiệc xong tối về lại TP.HCM. Có cao tốc lợi rất lớn, vừa rút ngắn thời gian chạy xe, vừa an toàn".

Có thể dễ dàng nhận thấy sau thông xe, hai tuyến cao tốc đoạn từ Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo nườm nượp ô tô qua lại.

Giới tài xế chở hàng liên tỉnh đều chọn lộ trình cao tốc thay cho QL1 để chạy nhanh hơn và quan trọng hơn là tiết kiệm chi phí.

"Cao tốc rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Bình Thuận, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí vận tải hàng hóa, giá thành đến tay người dân cũng vì thế sẽ rẻ hơn", chị Nguyễn Thị Diệu, chủ một vựa thanh long ở Hàm Thuận Nam nói.

Ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho biết, trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua huyện có hai nút giao kết nối gồm nút giao tỉnh lộ 720 và QL55.

Điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch đến khu du lịch ven biển La Gi.

"Cùng với các tuyến đường kết nối từ cao tốc đến các khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức sẽ giúp khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển phía Nam của tỉnh", ông Chung nhìn nhận.

Nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - QL 1

Nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - QL1.

Đường mở tới đâu, cơ hội làm giàu tới đó - Ảnh 10.

Theo ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong 7 tháng đầu năm lượng khách đến Bình Thuận đã đạt gần chỉ tiêu cả năm (mục tiêu 6,5 triệu lượt khách, khả năng dự kiến đạt 7 triệu).

"Tỉnh đang xúc tiến các quy hoạch tích hợp phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2040, hiện các quy hoạch đã trình phê duyệt.

Trong đó, khu du lịch quốc gia Mũi Né được xác định là hạt nhân và du lịch sẽ là một trong ba lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh", ông Huy nói.

Theo ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, năm 2023 tỉnh đăng cai Năm du lịch Quốc gia.

Để tiếp tục thu hút khách du lịch, tỉnh đang triển khai chọn nhà đầu tư mới để xây dựng dự án sân bay Phan Thiết hạng mục hàng không dân dụng.

Tại Ninh Thuận, ngay sau thông xe khách du lịch cũng tăng cao bất ngờ, ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong dịp 30/4, Ninh Thuận đã đón khoảng 90.000 lượt du khách, tăng 49,5% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt, tăng 100%; công suất phòng đạt 95-100%.

"Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe và đoạn Vĩnh Hảo - Cam Lâm sắp hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Ninh Thuận đến TP.HCM còn khoảng 4 - 4,5 giờ thay vì 7 - 8 giờ như hiện nay. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế Ninh Thuận, nhất là du lịch, vận tải, logistics…", ông Cảnh nhận định.

Đường mở tới đâu, cơ hội làm giàu tới đó - Ảnh 11.


Nội dung: Nhóm phóng viên
Thiết kế: Nguyễn Tường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.