Hạ tầng

Đường nghìn tỷ ở Đắk Lắk đội vốn vì chậm GPMB

10/09/2020, 06:47

Sau gần 5 năm khởi công, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Đông Tây, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang ì ạch.

img
Đoạn cuối tuyến (thuộc xã Hòa Thắng) chưa có phương án bồi thường, GPMB khiến tiến độ dự án đang tắc

Hiện vốn GPMB đã đội lên hơn gấp đôi, từ 220 tỷ đồng tăng lên 565 tỷ đồng.

Mòn mỏi chờ đền bù

Đứng bên căng nhà gỗ xiêu vẹo, bà Đinh Thị Phương (ngụ số 216/35 Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, cuối tuyến) bức xức: “Tôi bị thu hồi 649m2 nhưng họ chưa đưa giá đền bù. Từ năm 2014 đến nay, nhà cửa, đất đai được đo đạc, kiểm đếm nhưng đợi mãi không thấy tiền đền bù đâu. Nhà cửa sắp sập, mỗi lần trời mưa gió nhà rung lắc bần bật, cả nhà phải kéo nhau đi trú vì sợ”.

“Chúng tôi mong muốn nhà nước có làm thì thu hồi nhanh để chúng tôi ổn định cuộc sống, chứ bao nhiêu năm cứ sống thấp thỏm, ở trong căn nhà không biết sống chết lúc nào. Dân quá khổ phải sống trong cảnh chờ đợi rồi”, bà Phương buồn rầu nói.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Văn Tôn (ngụ 203/14A Đinh Tiên Hoàng, TP Buôn Ma Thuột, đầu tuyến) phản ánh: “Năm 2016 gia đình nhận thông báo thu hồi đất để thực hiện đường Đông Tây. Toàn bộ căn nhà 171m2 nằm giữa con đường dự án bị thu hồi. Gia đình được mời lên họp nhưng đến nay vẫn chưa đền bù. Bao năm qua, nhà cửa hư hỏng, dột nát nhưng muốn xây, sửa gì cũng không được”.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, công tác GPMB phục vụ dự án mới hoàn thành đoạn giữa tuyến (đoạn từ Km 0+900 - Km 5+200, thuộc phường Tự An, phường Tân Lập). Đây là đoạn chủ yếu là đất rẫy và đất lúa của người dân. Tại đoạn đường này, nhà thầu đã triển khai thi công các hạng mục mặt đường, lề đường và đang thi công cầu cạn.

Trong khi đó, đoạn đầu tuyến (từ Km 0+00 - Km 0+900, thuộc địa bàn phường Tân Thành, phường Tự An) chủ yếu là nhà ở và đất nằm trong đô thị nên chưa thể GPMB để bàn giao cho nhà thầu. Đặc biệt, là đoạn cuối tuyến (từ Km 5+200 - Km 6+900, thuộc xã Hòa Thắng) với hàng trăm hộ dân, nhà cửa và cây nông nghiệp như: Cà phê, tiêu, điều… vẫn chưa có phương án bồi thường và chưa thể GPMB để bàn giao mặt bằng để nhà thầu tổ chức thi công.

Tiền giải phóng mặt bằng đội gấp đôi

Dự án đường Đông Tây có chiều dài 6,9km, với tổng mức đầu tư ban đầu là 998,117 tỷ đồng (vốn Trung ương 90% và 10% vốn ngân sách địa phương). Dự án do UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015, dự kiến thời gian hoàn thành vào tháng 8/2018, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 515 (TP HCM) thi công.

Tuy nhiên, do vướng công tác GPMB, cùng với việc giãn tiến độ vào năm 2017 khiến dự án không thể hoàn thành. Sau đó, ngày 11/2018, chủ đầu tư xin UBND tỉnh Đắk Lắk gia hạn thời gian hoàn thành đến hết ngày 31/12/2020. Đến nay, dự án đã cận kề ngày hoàn thành nhưng công tác GPMB vẫn chưa xong.

Ông Phạm Quốc Dũng (chỉ huy công trình) cho biết, tính đến đầu tháng 7/2020, chủ đầu tư mới bàn giao khoảng 4,4/6,9km. Sau gần 5 năm thi công nhưng do thiếu vốn, tiến độ GPMB chậm khiến công trình chậm trễ, kéo dài. Hiện nay, đơn vị luôn sẵn sàng nhân công, thiết bị, tập kết nguồn vật tư, vật liệu và các điều kiện cần thiết để thi công, đẩy nhanh tiến độ khi được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng.

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết, việc GPMB chậm là do không bố trí được nguồn vốn để đền bù cho người dân.

“Mới đây, chúng tôi đã có tờ trình xin điều chỉnh tăng chi phí bồi thường GPMB trong tổng mức đầu tư dự án”, ông Chính nói và cho biết, tại quyết định ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư được duyệt là 998,117 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường GPMB là hơn 220 tỷ đồng. Trong hạn mức hơn 220 tỷ đồng này, đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 416 hộ và 7 tổ chức với kinh phí hơn 195 tỷ đồng. Để thực hiện GPMB thông toàn tuyến thì nhu cầu vốn cần được điều chỉnh bổ sung cho công tác bồi thường cho 217 hộ và 7 tổ chức là hơn 344 tỷ đồng.

Theo ông Chính, dự án được phê duyệt từ năm 2014, triển khai đến năm 2016 thì bị tạm dừng do không có kinh phí, đến nay mới tiếp tục được Trung ương bố trí vốn để thực hiện. Qua nhiều năm dừng hoãn, giãn tiến độ, các chính sách bồi thường, hỗ trợ có sự thay đổi, giá đất trên thị trường có sự biến động lớn nên kinh phí bồi thường tăng, vượt tổng mức đầu tư so với quyết định đã được phê duyệt.

Cụ thể: Nhu cầu thực tế kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án là hơn 565 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đã phê duyệt là hơn 344 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường GPMB, Trung tâm phát triển quỹ đất đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án từ hơn 220 tỷ đồng thành hơn 565 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Dũng, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng TP Buôn Ma Thuột (đơn vị đại diện chủ đầu tư) cho biết, công tác GPMB thuộc trách nhiệm của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột. Về việc đội vốn, chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh Đắk Lắk. “Việc phát sinh này là phát sinh kinh phí đền bù chứ xây lắp không phát sinh. Theo nhận định để dự án hoàn thành vào ngày 31/12/2020 rất khó, hiện nay chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu gấp rút thi công những chỗ đã có mặt bằng để kịp tiến độ”, ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.