Những ngày qua, thông tin liên quan đến cái tên Đường “Nhuệ” luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Những vai diễn của người đàn ông có tên thật là Nguyễn Xuân Đường vì thế cũng được cư dân mạng quan tâm, tìm kiếm.
Đường “Nhuệ” đã tham gia đóng nhiều phim về đề tài giang hồ chiếu trên YouTube. Gần đây nhất có “Luật lệ giang hồ”, “Tỷ phú đè đại gia”, “Chạm mặt giang hồ 1, 2”… Những bộ phim này không phải dòng phim chính thống mà chỉ được chiếu trên Youtube, chủ yếu có nội dung nói về cuộc sống của giới giang hồ.
Trong đó, bộ phim “Chạm mặt giang hồ” đã ra mắt phần 1 vào tháng 1/2019 với thời lượng 43 phút. Đến thời điểm hiện tại, phim đạt hơn 32,6 triệu lượt xem. Phần 2 của phim có tên Xích Lang, ra mắt vào tháng 12/2019 với quy mô hoành tráng hơn khi chia làm 10 tập phim, mỗi tập có thời lượng hơn 30 phút. Mỗi tập của phim đạt khoảng 1,7 - 4,7 triệu lượt xem.
Dù có lượng xem “khủng” nhưng những sản phẩm này đều vấp phải tranh cãi khi có quá nhiều yếu tố bạo lực, tình tiết thiếu logic và diễn xuất chưa thuyết phục.
“Giang hồ đâm thuê chém mướn, làm việc phi pháp thì đừng lấy nhà chùa ra để biện minh cho hành động của mình”, một người bình luận.
“Giang hồ bây giờ chuyển qua giành nút vàng, nút bạc của YouTube rồi!”, một người khác mỉa mai về phần phim có sự tham gia của Đường “Nhuệ”.
Trên mạng xã hội, Đường “Nhuệ” cũng như các “giang hồ mạng” từng “sa lưới” như: Khá Bảnh, Huấn “Hoa Hồng”… thường xuyên nói về việc sống có tâm, có đức, khuyên răn mọi người làm việc thiện, sống nghĩa khí… Tuy nhiên, hành động của những đối tượng này trái ngược với những gì họ nói.
Có thể thấy, thực trạng “giang hồ thật” lấn sân sang mạng xã hội không còn xa lạ. Thậm chí, họ còn có được lượng fan hùng hậu nhờ những video gây sốc, chơi trội như chửi bới, tặng tiền, thẻ điện thoại cho những ai chia sẻ fanpage…
TS. Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, tình trạng này kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội. Trong khi đó, vẫn chưa có những quy chuẩn mang tính bắt buộc đối với phim ngắn, clip chiếu mạng tràn ngập nội dung bạo lực.
Đã đến lúc cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về các sản phẩm trên mạng xã hội, phim ảnh chiếu mạng liên quan đến đề tài giang hồ, đâm thuê chém mướn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận