Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, gây ngập cục bộ nhiều khu vực. Đặc biệt là khu vực nội ô thành phố Cà Mau có nhiều tuyến đường bị ngập sâu, giao thông đi lại khó khăn.
Theo ghi nhận, cơn mưa lớn nặng hạt kéo dài khoảng hơn 30 phút (8h - 8h30) ngày 28/8, khiến nhiều tuyến đường khu vực nội ô thành phố Cà Mau bị ngập nặng.
Cụ thể, trên một số tuyến đường như: Đinh Tiên Hoàng, Phan Ngọc Hiển, Lý Thường Kiệt, Hùng Vương… có nơi ngập sâu hơn 30cm, giao thông qua khu vực khó khăn.
Đến trưa cùng ngày, mưa nhỏ kéo dài đến khoảng 16h thì dứt. Sau đó, nước mới rút, giao thông tại những vị trí này cơ bản thông suốt, sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường.
Trước đó, vào các ngày 26, 27/8 mưa lớn cũng xuất hiện làm nhiều tuyến đường ngập cục bộ, ở những vùng trũng thấp, ven sông trong nội ô thành phố Cà Mau.
Theo bản tin cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, đêm 27/8 và ngày 28/8, khu vực Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 80mm (mưa tập trung vào chiều và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Đồng thời, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang gió tây nam cấp 4, cấp 5, giật trên cấp 5.
Trên cả hai vùng biển có mưa rào và dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8, độ cao sóng 2,0-3,0m.
Việc ngập cục bộ tại thành phố Cà Mau ảnh hưởng xấu đến việc sinh hoạt, đời sống, sức khỏe, khả năng tham gia giao thông, kinh doanh... của người dân trên địa bản.
Nhằm chủ động theo dõi, ứng phó với tình hình mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển, giảm thiệt hại, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó, tránh để xảy ra thiệt hại.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, trạm bơm, điều tiết nước phục vụ sản xuất của người dân.
Sở Giao thông vận tải đã chủ động bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các khu vực, tuyến đường chưa được nâng cấp, còn bị ngập khi xảy ra mưa lớn, đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận