Gần như cùng thời điểm, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều đề xuất mục tiêu tới năm 2035 sẽ không còn xe chạy bằng xăng/diesel mà ưu tiên xe điện, để góp phần giải quyết nỗi lo biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Châu Âu chú trọng tăng cường đầu tư hạ tầng sạc để kích cầu xe điện
EU chú trọng giải quyết hạ tầng sạc
Theo đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC), EU sẽ cắt giảm 100% khí thải CO2 vào năm 2035, qua dự định cấm bán toàn bộ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới trong khối 27 quốc gia tại thời điểm đó.
Để thúc đẩy doanh số xe điện (EV), Brussels đề xuất dự luật yêu cầu các nước trong khối phải lắp đặt các trạm sạc công cộng theo tiêu chí, cứ 60km trên đường lớn phải có 1 trạm sạc, tính đến năm 2025.
Như vậy, dự báo, tới năm 2030, số lượng trạm sạc công cộng cho ô tô và xe tải sẽ là 3,5 triệu và năm 2050 sẽ tăng lên gấp 3 ở mức 16,3 triệu trạm sạc.
Ủy ban châu Âu dự tính chi 80-120 tỉ euro (khoảng 95 - 192 tỉ USD) vào hạ tầng sạc tư nhân và công cộng trên khắp EU tính đến năm 2040.
Nhấn mạnh về việc phải thúc đẩy hạ tầng sạc, ông Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách biến đổi khí hậu EU cho biết, một trong những yếu tố kích thích nhu cầu xe điện là phải có hạ tầng sạc thật tốt.
“Nếu không, kể cả người mua có đủ tiền chi trả toàn bộ xe điện, họ cũng sẽ chần chừ vì không biết sạc xe ở đâu”, ông Timmermans nói.
Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở đề xuất. Các nước thành viên EU và Nghị viện EU sẽ phải bàn bạc, bỏ phiếu và đưa ra quyết định cuối cùng. Quá trình này dự kiến mất 2 năm.
Hiện nay, 26/27 quốc gia EU đã có chương trình kích thích mua xe điện nhưng mức độ chấp nhận không đồng đều. 98% doanh số xe điện EU trong 3 tháng đầu năm 2020 dồn vào 14 quốc gia giàu nhất EU, cộng với Anh và Na Uy. Lý do là vì các nước càng giàu, chính sách và hạ tầng cho xe điện càng hào phóng kéo theo tăng trưởng nhanh.
Còn các nước nhỏ như Romania, Slovakia, Cộng hoà Séc, tỉ lệ cải thiện thấp, dẫn đến mức độ sẵn sàng đón nhận xe điện không cao, theo khảo sát của tổ chức vận động hành lang ACEA.
Anh đặt mục tiêu tham vọng
Tại Anh, chính phủ nước này không chỉ dừng ở ngành giao thông đường bộ mà còn xác định chủ trương toàn ngành vận tải không phát thải đến năm 2050.
Trong đó, “xứ sở sương mù” đặt mục tiêu dừng bán ô tô và xe tải nhẹ chạy bằng xăng/diesel đến năm 2030. Đến năm 2035, tất cả ô tô và xe tải trên đường không còn phát thải. Vào năm 2040, Anh cấm bán phương tiện vận tải hàng hóa hạng nặng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chính quyền Anh còn đặt mục tiêu đưa mức phát thải hệ thống đường sắt về 0 vào giữa thập kỷ này và tương tự với ngành hàng không vào năm 2050.
Để lột xác toàn ngành giao thông, vốn được coi là nguyên nhân gây ô nhiễm nhất nước Anh, đòi hỏi chính phủ đầu tư đáng kể trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng sạc, phát triển công nghệ và các hệ thống mới.
Trong thông báo bằng văn bản gửi tới Nghị viện Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps thừa nhận: “Kế hoạch vừa được công bố là rất tham vọng kể cả về kỹ thuật và mức độ khả thi, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong ngành vận tải. Nhưng cần lưu ý rằng, quá trình giảm thải không chỉ phụ thuộc vào công nghệ giao thông tương lai mà còn cần cả sự thay đổi về hành vi và xã hội”.
Các hãng xe vào cuộc
Mức độ chấp nhận xe điện chủ yếu tập trung ở các nước giàu có tại EU
Vậy ngành công nghiệp ô tô có thể đáp ứng mục tiêu của các chính phủ? Vài năm gần đây, nhất là từ năm ngoái, doanh số bán xe phát thải thấp tại châu Âu bắt đầu tăng trưởng mạnh. Cứ 9 xe mới được bán ra thì có 1 xe là xe điện hoặc xe hybrid plug-in.
Thực tế, năm 2035 là mốc thời gian mà rất nhiều hãng xe lớn trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu xác định để dừng sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Ví dụ như Volkswagen AG đã đặt mục tiêu dừng bán ô tô xăng/diesel đầu tiên tại châu Âu từ năm 2035, sau đó là đến các thị trường ở Trung Quốc và Mỹ.
Hãng xe GM cũng tuyên bố đầu tư 27 tỷ USD để phát triển xe điện và xe tự lái đến năm 2025, trở thành hãng xe điện hoàn toàn vào năm 2040.
Đầu năm nay, Ford đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để chuyển đổi nhà máy sản xuất xe của hãng tại TP Cologne (Đức) trở thành nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của Ford tại châu Âu.
Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư vào xe điện và xe tự lái trị giá 22 tỷ USD nhằm đạt mục tiêu đến năm 2024, toàn bộ các dòng xe thương mại của Ford sẽ là xe hybrid hoặc xe điện không xả thải.
Trong khi đó, hãng xe Nissan lại chọn Anh làm điểm khởi đầu cho kế hoạch điện hoá với vốn đầu tư 1,4 tỉ USD để xây nhà máy pin xe điện. Từ năm 2021, hãng sẽ bắt đầu quá trình điện hóa hoàn toàn tất cả các mẫu xe mới được ra mắt tại các thị trường chính vào đầu năm 2030...
Tổ chức tư vấn AlixPartners ước tính, các nhà sản xuất và các nhà cung cấp toàn cầu sẽ đầu tư 330 tỉ USD vào điện hóa phương tiện từ năm 2021-2025, tăng 41% so với ước tính của tổ chức này là 250 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2024.
Người dân đón nhận xe điện thế nào?
Theo nghiên cứu mới từ Dịch vụ Tài chính Volkswagen Anh (VWFS), có 23% trong tổng số người tham gia khảo sát sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng xe điện trong 5 năm nữa. Thú vị là, tỉ lệ người dân mở lòng với xe điện sẽ cao hơn ở nhóm người có độ tuổi dưới 45 (khoảng 32%). Ở độ tuổi trên 45, tỉ lệ chấp nhận chỉ có 18%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận