Đường sắt

Đường sắt bất ngờ bán vé 10.000 đồng

02/06/2017, 11:51

Giá vé được tăng giảm linh hoạt, cộng với nhiều khuyến mãi, đường sắt Việt Nam tung ra nhiều sản phẩm mới.

5

Ngành đường sắt tung nhiều loại vé giá rẻ là rất phù hợp thời điểm này, bởi sẽ tăng lượng khách du lịch di chuyển bằng đường sắt

Hàng nghìn vé giá chỉ 10.000 đồng

Là một trong những hành khách đầu tiên sở hữu tấm vé chỉ 10.000 đồng tàu Hà Nội - Vinh, anh Phùng Đức Lợi, quê Nghệ An (công tác tại 235 Nguyễn Trãi, Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Ngay khi được bạn bè chia sẻ về thông tin ngành đường sắt bán vé giá rẻ 10.000 đồng, tôi vào mạng mua online và may mắn mua được cả vé đi và về. Cả nhà tôi đều rất vui, mấy khi mua được vé giảm hàng chục lần như thế”.

Anh Lợi chỉ là một trong hàng trăm hành khách mua được vé giá 10.000 đồng trong đợt vé giá rẻ đến hết tháng 8 của đường sắt. Trong đợt này, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội dành 2.000 vé giá 10.000 đồng bán ngẫu nhiên cho hành khách mua vé đi tàu SE35/36 Hà Nội - Vinh. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng dành khoảng 1.000 vé cho hành khách đi trên đôi tàu NH1/NH2 tuyến Nha Trang - Huế. Đến nay, đã có 120 vé 10.000 đồng tàu SE35/SE36 và hơn 600 vé tàu NH1/NH2 được bán.

Giá vé linh hoạt đã đem đến nhiều lựa chọn hơn cho hành khách. Vì vậy, vận tải hành khách đường sắt bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Bà Hà cho biết, hệ số chiếm dụng chỗ trên các đoàn tàu tăng nhẹ so với trước cho thấy lượt khách lên tàu cao hơn. Đầu tháng 5 đang dịp thấp điểm, hệ số chiếm dụng chỗ tàu SE1 đã lên tới 75%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt 61%. Tương tự, tàu NA1 Hà Nội - Vinh đạt 87% (cùng kỳ năm 2016 là 75%)… Khách du lịch đoàn trong dịp hè 2017 đi Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng cũng tăng mạnh, đến nay nhiều đoàn đăng ký số lượng lớn như Công ty Vietravel với hơn 2.300 khách đi Đà Nẵng, Công ty Việt Á với hơn 1.100 khách đi Đồng Hới, Đà Nẵng, Công ty Sigma thuê riêng tàu đi Lăng Cô với hơn 600 khách…

Giá vé rẻ chỉ là một trong hàng loạt chính sách giá vé, dịch vụ mà đường sắt đang thực hiện nhằm hút lại khách đi tàu. Nguyên nhân đường sắt vắng khách thời gian qua do sự cạnh tranh gay gắt của hàng không giá rẻ. Còn với tuyến ngắn, ngay cả những tuyến “hot” trước kia như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai hay Sài Gòn - Nha Trang nhiều hành khách lại chọn ô tô chất lượng cao. Theo anh Lợi, đi ô tô Hà Nội - Vinh nhanh, tiện lợi, ra bến chỉ đợi 10-15 phút là đi được luôn trong khi đi tàu phải mua vé trước, đi chuẩn giờ. Hơn nữa, giá vé tàu ngồi mềm hay giường nằm cũng cao hơn.

“Đường sắt nên có nhiều chính sách giá rẻ, khuyến mại để kích cầu, cùng với đó dịch vụ cần tốt hơn nữa, chắc chắn sẽ thu hút được người dân đi tàu nhiều hơn”, anh Lợi nói.

Chị Ngọc Chi (Phương Liệt, Hà Nội) cho biết, trước kia mỗi lần đi lễ ở Bảo Hà hay đi Lào Cai, SaPa, gia đình chị thường đi tàu cho an toàn, đỡ say xe. Tuy nhiên, sau khi có đường cao tốc, chị chuyển sang đi ô tô. Giờ đường sắt có vé giá rẻ, khách chắc chắn sẽ đến nhiều hơn.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân khách du lịch không mặn mà đi tàu, ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch PhucGroup cho rằng, một phần vì giá vé tàu còn cao. Ông Bắc nêu ví dụ, công ty ông đầu tư xe giường nằm, giá vé từ Hà Nội đi Lào Cai chỉ 250.000 đồng/vé, trong đó đại lý bán vé được hưởng 60.000 đồng/vé; Nhưng vé giường nằm khoang 4 giường của tàu hỏa những 385.000 đồng/vé. Việc đường sắt tung nhiều loại vé giá rẻ là rất phù hợp thời điểm này.

Giá vé linh hoạt dần hút khách đi tàu

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, gần đây, đường sắt đang đẩy mạnh chính sách giá vé linh hoạt. Đây được coi là một trong những biện pháp quan trọng để kích cầu, thu hút khách đi tàu. Nếu trước kia, ngoài chính sách miễn vé, giảm giá cho các đối tượng chính sách, người già, trẻ em hay học sinh, sinh viên, chương trình giảm giá cho khách tập thể, giá vé tàu tương đối cứng nhắc. Thường đường sắt chỉ áp dụng một giá vé cho cả một giai đoạn và theo chiều dài hành trình mà ít căn cứ vào thị trường tuyến đường, cung chặng “hot” hay không. Việc giảm giá, tăng giá cũng theo cả giai đoạn thấp điểm hay cao điểm (hè, lễ, Tết)…

“Như tàu chất lượng cao tuyến Thống Nhất, do nhu cầu khách đi suốt Hà Nội - Sài Gòn rất ít, chỉ vài ba chục khách mỗi chuyến nên giá vé sẽ rẻ hơn. Tàu SE1/2, giá vé giường nằm thấp nhất dịp cao điểm hè chỉ 803.000 đồng/vé, cao nhất 1.426.000 đồng/vé. Nhưng cùng thời gian, cùng mác tàu, nhu cầu khách đi Hà Nội - Đà Nẵng rất lớn nên dù chỉ bằng 1/3 tuyến đường, giá vé giường nằm thấp nhất chặng này cũng 583.000 đồng/vé, cao nhất 1.036.000 đồng /vé”, bà Hà nêu ví dụ và cho biết thêm, sắp tới sẽ có cả giá vé chỗ VIP, khoang VIP, vé khứ hồi 2 chiều, vé tàu “giờ đẹp”…

Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn cũng chia sẻ, giá vé linh hoạt được điều chỉnh tăng, giảm theo từng cung chặng, từng loại chỗ; Theo thời gian bán vé và thời gian đi tàu. Như điều chỉnh tăng giá vé theo phút, giờ, ngày trong tuần, cung chặng (theo ga đi, ga đến) có nhu cầu đi lại cao; hoặc ngược lại, có thể điều chỉnh giảm các ngày, các cung chặng có nhu cầu đi lại vắng. Điều chỉnh tăng giảm giá vé theo ngày bán vé, theo ngày đi tàu, ví dụ mua vé trước nhiều ngày thì giá rẻ hơn, giảm đến 50%, mua đi ngay thì giá cao hơn…

“Lượng hành khách đi tàu trong tháng 4 tăng hơn 20% và trong 15 ngày đầu tháng 5 tăng hơn 30% so với cùng kỳ, đặc biệt là các mác tàu chất lượng cao như: SE3/4, SNT1/2, SPT1/2. Riêng tàu SNT1/2 là mác tàu đóng mới, đẹp nhất hiện nay, hầu hết số chỗ đã được bán và giữ chỗ cho tập thể đến hết hè 2017. Nếu tiếp tục đẩy mạnh chính sách giá vé linh hoạt và chất lượng dịch vụ, chúng tôi tin tưởng, hành khách sẽ đi tàu nhiều hơn”, ông Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.