Nâng cấp phương tiện, cải tạo toa xe khách chất lượng cao là chủ trương chung của hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn nhằm tăng tính cạnh tranh - Ảnh: Ngô Vinh |
Để tránh cạnh tranh không lành mạnh sau cổ phần hóa, hai đơn vị lớn của ngành Đường sắt là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã tìm được tiếng nói chung và“bắt tay” cùng khai thác, thúc đẩy thị phần vận tải.
Tinh thần hợp tác khai thác chung giữa hai đơn vị vận tải đường sắt này được khẳng định tại cuộc họp giữa Đảng ủy Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua. Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đây là cuộc họp đầu tiên giữa hai Đảng ủy nhằm thống nhất chủ trương chung phối hợp đẩy mạnh thị phần vận tải sau những vướng mắc giữa hai doanh nghiệp trong khai thác thị trường vận tải đường sắt.
Ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thẳng thắn nhìn nhận, cuộc họp xuất phát từ việc sau cổ phần hóa, vì áp lực doanh thu, lợi nhuận của mỗi bên, có lúc, có nơi diễn ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm tiêu hao nguồn lực của hai công ty. Trong khi đó, sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa sụt giảm mạnh.
“Làm sao tận dụng được lợi thế, sức mạnh của Đảng bộ từng đơn vị để phát huy tối đa sức mạnh, từ đó phát huy hiệu quả SXKD. Áp lực SXKD với cả hai công ty rất nặng nề, ngoài ảnh hưởng sự cố sập cầu Ghềnh còn là sự suy giảm của vận tải đường sắt khi tính cạnh tranh không theo kịp các phương tiện vận tải khác nên ngày càng đuối sức, thậm chí hụt hơi. Vì lợi ích chung, hai đơn vị phải chung một chiến hào để phát huy được thế mạnh của vận tải đường sắt”, ông Sơn nói.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho rằng: “Hai đơn vị phải phối hợp để thị phần đường sắt tăng lên, tập hợp được sức mạnh cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, chứ không phải cạnh tranh nội bộ”. Còn ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Khách hàng đến với chúng ta không phân biệt đến Hà Nội hay Sài Gòn mà chỉ biết là đến đường sắt. Vì thế, phải làm thế nào để khách hàng đến với đường sắt là được phục vụ tốt nhất. Không phân biệt công ty Sài Gòn hay Hà Nội mà thống nhất thực hiện các biện pháp chung để khai thác vận tải đường sắt hiệu quả, trong đó bám sát thị trường, đổi mới phương tiện, nâng cấp toa xe, phương án bán vé”.
Tới đây, hai công ty vận tải đường sắt này thống nhất cùng đẩy nhanh việc cải tạo, nâng cấp toa xe, tiến tới xóa bỏ toa xe cửa lưới “chuồng cọp”, toa xe nóng, ghế gỗ để nâng cao chất lượng phục vụ, cạnh tranh với các phương tiện khác; Có chính sách giá vé hành khách linh hoạt, bám sát thị trường hơn, nhất là vào đợt cao điểm vận chuyển như lễ, Tết; Thực hiện việc kiểm tra chéo giữa hai công ty nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, phục vụ tương đồng cũng như đảm bảo không phân biệt khách hàng của công ty nào… Nhất là về thị trường chung, xác định “ranh giới mềm”, địa bàn mỗi công ty khai thác chủ yếu nhưng vẫn thuê nhau bán vé, tác nghiệp giao nhận hàng hóa, sử dụng chung toa xe…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận