Đường sắt

Đường sắt còn 180 cầu yếu

14/04/2016, 08:15

Việc loại bỏ và thay thế các cây cầu yếu đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trở nên cấp bách.

14

Cầu Long Biên mới chỉ được được gia cố và bảo dưỡng chứ không nâng được tĩnh không - Ảnh: K.Linh

Vụ tai nạn sập cầu Ghềnh vừa qua cho thấy, việc loại bỏ và thay thế các cây cầu yếu đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt tại các cầu có phương tiện đường thủy qua lại trở nên cấp bách.

Nỗi lo thường trực

Báo cáo Bộ GTVT sau vụ tai nạn sập cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện có 1.920 cầu đường sắt; Trong đó, phần lớn cầu đã qua thời gian sử dụng dài, một số cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đã có khoảng 1.000 cầu được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn (vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp kinh tế…) để đảm bảo an toàn công trình, nâng cao năng lực vận tải và tốc độ chạy tàu. Tuy nhiên, số cầu yếu, xuống cấp, tải trọng thấp còn nhiều dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt là những cầu được xây dựng từ thời Pháp.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, qua rà soát hồ sơ quản lý kỹ thuật chuyên ngành, hiện còn 180 cầu yếu, cũ cần được thay thế, trong đó bao gồm cả cầu yếu, cũ không đảm bảo khẩu độ và tĩnh không thông thuyền, nguy cơ phương tiện đường thủy va xô cầu cao như: Cầu Quay (Hải Phòng), cầu Long Biên (Hà Nội) được xây dựng, đưa vào sử dụng cách đây đã hơn 110 năm… Tuy vậy, mới chỉ có 86 cây cầu được nằm trong các dự án sửa chữa, cải tạo... Số cầu yếu cần thay thế trên tuyến ĐS Bắc - Nam chiếm số lượng lớn trong 180 cầu này.

“Hiện trạng trên ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt VN do giảm năng lực thông qua của hạ tầng và hạn chế, tốc độ khai thác, tải trọng đoàn tàu, giảm khả năng cạnh tranh”, ông Hoạch nói và nêu ví dụ trên tuyến Hà Nội - TP HCM. Số lượng cầu yếu tập trung chủ yếu trên khu đoạn từ Đà Nẵng trở vào, hạn chế tải trọng đoàn toa tàu 3,6 tấn/m, trong khi tải trọng đoàn toa khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng là 4,2 tấn/m.

Hiện các cầu đặc biệt yếu luôn có lực lượng chốt trực. Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Đường sắt Hà Hải - đơn vị đang quản lý nhiều cầu đường sắt yếu, không đảm bảo thông thuyền (như cầu Quay, Long Biên, Đuống) cho biết: “Để bảo đảm tuyệt đối an toàn thì các cầu yếu phải được thường xuyên duy tu hoặc thay thế. Nhưng hiện kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên chỉ đáp ứng khoảng 40% yêu cầu thực tế nên công tác bảo đảm ATGT cầu yếu vẫn là nỗi lo thường nhật của công ty”.

Cầu yếu… nằm chờ vốn

Để xóa bỏ các cầu xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, nâng cao tốc độ chạy tàu, nhất là trên tuyến Hà Nội - TP HCM, theo ông Hoạch, cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư sửa chữa 86 cầu yếu đã có trong dự án, trong đó đặc biệt ưu tiên triển khai thi công 44 cầu thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ngoài ra, cần sớm triển khai thi công 41 cầu thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM giai đoạn 2”. Đối với 32 cầu yếu chưa có trong các dự án thuộc khu đoạn Đà Nẵng - Sài Gòn cũng cần được nâng cấp, cải tạo để đồng nhất tải trọng trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Liên quan đến vấn đề thay thế cầu đường sắt yếu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Bộ GTVT đang tích cực đề nghị nguồn vốn tài trợ thực hiện. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố cầu Ghềnh, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn thực hiện, tất nhiên không thể làm cùng một lúc mấy chục cây cầu được, mà phải làm từng bước một, bên cạnh việc tăng cường duy tu, sửa chữa, giám sát bảo đảm ATGT”.                A.T

Còn theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, hiện nhiều cầu đường sắt không bảo đảm kích thước khoang thông thuyền theo phân cấp kỹ thuật. Một số cầu mố trụ nằm vào luồng chạy tàu, nhiều vị trí cầu dòng chảy xoáy, xiên, nguy hiểm. Các cầu này gây cản trở, khó khăn cho vận tải thủy nội địa, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy. Vì vậy, về lâu dài cần đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới thay thế các cầu cũ có khẩu độ khoang thông thuyền và tĩnh không không đảm bảo theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa. Đặc biệt, cần có ngay phương án thay thế hoặc cải tạo, nâng cấp như cầu: Long Biên, Đuống (Hà Nội), cầu Quay (Hải Phòng); Cải tạo nâng cấp đảm bảo tĩnh không thông thuyền và có phương án chống va đối với cầu Yên Xuân…

“Tuy nhiên, trước mắt cần xây dựng trụ chống va, ngoài ra tăng cường báo hiệu, tổ chức trạm điều tiết, cứu hộ, chống va trôi thường trực tại các cầu nguy hiểm”, ông Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.