Giờ đây, khách hàng không cần đến tận ga chờ đợi nhiều giờ để đăng ký thuê số lượng toa xe mà chỉ cần ngồi tại nhà để đấu giá công khai qua smartphone - Ảnh: Khánh Linh |
Đấu giá thuê toa xe hàng qua smartphone
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc Công ty TNHH MTV Bảo Long Vân, một trong những khách hàng truyền thống vận chuyển tàu chuyên tuyến cho biết, gần đây không phải đến tận ga chờ đợi nhiều giờ để đăng ký thuê toa xe vận chuyển hàng hóa mà ngồi tại nhà để đấu giá công khai qua smartphone.
Theo ông Thịnh, từ tháng 3/2018, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội triển khai hình thức bán hàng mới: Bán đấu giá cước vận chuyển hàng hóa qua mạng. Trước mắt, việc đấu giá được thực hiện đối với các đoàn tàu hàng nhanh chạy suốt Bắc - Nam. Theo hình thức cũ, nếu thuê nguyên đoàn tàu 17 - 18 toa xe, dù doanh nghiệp không chở (thay bằng “có”) đủ hàng vẫn phải trả nguyên tiền cước cho cả đoàn tàu. Còn thuê theo hình thức đấu giá, khách hàng có thể đăng ký thuê số lượng toa xe tùy theo nhu cầu vận chuyển. Khách có thể thuê 10 hay 15 toa, giảm rất nhiều chi phí.
"Đấu giá thuê trực tiếp với công ty, không phải qua các đơn vị “vệ tinh” hay ga nên sẽ tránh được tiêu cực, nhũng nhiễu ở một số nhân viên. Việc làm này rất phù hợp với cơ chế thị trường, do thị trường điều tiết, giảm bớt độc quyền trong vận chuyển của đường sắt”. Ông Nguyễn Đức Thịnh |
“Hơn nữa, việc đấu giá rất minh bạch và thuận tiện, ngồi đâu tôi cũng có thể đăng ký nên bớt được thời gian chờ đợi và chi phí đi lại”, ông Thịnh nói.
Cụ thể hơn, ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Điều độ vận tải Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị đang đấu giá thuê toa xe tàu HH7/8 Giáp Bát - Sóng Thần là tàu hàng đẳng cấp cao nhất, chuyên tuyến với thời gian vận chuyển nhanh, giờ tàu đi, đến cố định, không cắt xe dọc đường. Thành phần đoàn tàu gồm các toa xe có mui (G) và toa xe chở container (Mc) chất lượng tốt nhất; chiều dài đoàn tàu tối thiểu 18 toa, tổng tải trọng không quá 900 tấn.
“Trước khi tàu chạy 72 giờ, công ty niêm yết công khai trên mạng hành chính điện tử Egov các thông tin như: số lượng từng chủng loại toa xe trong thành phần đoàn tàu sẽ chạy ngày hôm đó. Ví dụ, 10 toa Mc, 8 toa G, giá cước sàn tối thiểu một toa xe. Khách hàng sẽ vào mạng Egov, đăng ký số lượng toa cần là bao nhiêu, loại xe nào và nhập số tiền mà khách hàng trả giá nhưng thấp nhất cũng phải bằng giá cước sàn đã niêm yết”, ông Dân thông tin và cho biết thêm, tùy theo nhu cầu vận chuyển, khách hàng đăng ký mua tối thiểu một toa xe và tối đa là cả đoàn tàu. Sau khi tổng hợp biên lai đơn hàng của các khách hàng, hệ thống sẽ lựa chọn khách hàng trúng giá. Mọi xét duyệt, chọn lựa đều do hệ thống thực hiện tự động dựa trên các tiêu chí: Người trả giá cao nhất, trường hợp có nhiều khách hàng trả giá bằng nhau thì chọn người trả giá sớm nhất.
“Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, kết nối internet là có thể đăng nhập thực hiện các bước đấu giá online”, ông Dân nói và cho biết thêm, trong giai đoạn đầu, công ty tổ chức bán một đôi tàu/tuần, sau khi đi vào ổn định sẽ triển khai đồng loạt các đoàn tàu chuyên tuyến. Việc đấu giá này giúp giảm nhiều thủ tục cho khách hàng. Nếu theo cách truyền thống, khách hàng phải đến tận ga đăng ký, vào sổ sách với nhiều thủ tục giấy tờ... rất mất thời gian.
Hình thức đấu giá cước thuê toa xe hàng qua mạng công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong vận chuyển đường sắt |
Minh bạch, hạn chế tiêu cực
Sau gần một tháng triển khai thực hiện hình thức bán hàng mới, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được nhiều quan tâm và phản hồi tích cực từ các khách hàng. Ông Dân cho biết, các đoàn tàu HH7/8 đều được khách hàng trả giá tốt, sản lượng đạt tối đa. Như chuyến HH7 đầu tiên, đã có 4 khách hàng trúng giá và tham gia thuê 18 toa xe để chở hàng với sản lượng khoảng 900 tấn.
“Hình thức đấu giá này rất công khai, minh bạch, thuận lợi, góp phần giảm tiêu cực. Khi nhu cầu của khách hàng cùng lúc tăng cao, nếu đăng ký thuê theo hình thức “gặp trực tiếp” với nhân viên đường sắt, rất dễ nảy sinh “tiêu cực phí” để được ưu tiên cấp toa xe. Trong khi đó, theo hình thức mới, khi khách hàng đã trả giá, hệ thống lưu toàn bộ dữ liệu đó, con người không thể can thiệp sửa thông tin được. Họ đăng ký vào thời gian nào thì chính xác đến đơn vị giây, giá bao nhiêu đều thể hiện trên đơn hàng và họ có thể in ra được, làm bằng chứng”, ông Dân nói.
Cũng theo ông Dân, cách này chủ yếu là hướng tới lợi ích khách hàng. Vì nếu bán nguyên đoàn tàu chuyên tuyến, chuyên hành trình như trước, công ty không phải lo về lỗ, lãi; khách hàng phải lo đủ hàng theo chiều dài, tấn số và phải trả toàn bộ tiền thuê đoàn tàu. Tuy nhiên, đấu giá công khai, các khách hàng mới, khách hàng lẻ có thể tiếp cận trực tiếp với công ty, không phải qua các đại lý cấp 1, loại bỏ dần các đối tác trung gian làm phát sinh chi phí cho chủ hàng.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng phân tích thêm, việc đấu giá chỉ thực sự hiệu quả, nhất là về mặt doanh thu cho đường sắt khi đường sắt đáp ứng được nhu cầu toa xe lúc nhu cầu vận chuyển hàng tăng cao. Khi đó mới thực sự tạo thành “chợ”, một người bán, nhiều người mua trả giá, ai trả cao nhất, người đó mua được và đường sắt sẽ thu được cước cao hơn giá sàn nhiều.
“Ví dụ, khách hàng cần giải phóng toàn bộ lượng hàng trong 3-4 ngày, nên sẽ trả giá thật cao để trúng, miễn là đường sắt cung cấp đủ toa xe. Nhưng nếu đường sắt không đáp ứng được, không việc gì họ phải trả giá cao, vì đằng nào cũng không đủ toa xe, không chở được hôm nay thì chở ngày mai”, ông Vinh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận