Địa phương nên tổ chức cảnh giới 24/24h tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt để đảm bảo an toàn |
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, doanh nghiệp này vừa có văn bản gửi Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành có đường sắt đi qua đề nghị tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.
Theo Tổng công ty, thời gian qua, với sự vào cuộc của các địa phương trong việc tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt đã góp phần giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông tại các vị trí này.
Tuy nhiên, tại một số vị trí mà địa phương cho lắp đặt cần chắn đang có hiện trạng tổ chức trực chốt chỉ trong khoảng thời gian nhất định trong ngày, thời gian còn lại cần chắn ở trạng thái mở kể cả khi có tàu qua. Hiện trạng này dẫn đến người dân có nhận thức sai về trạng thái phòng vệ tại điểm giao cắt, nhầm tưởng vẫn có người phòng vệ dù không còn trong thời gian có người cảnh giới nên không chú ý tàu hỏa khi đi qua điểm giao cắt, dễ mất an toàn.
Thực tế cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt tại các vị trí này, điển hình là vụ tai nạn ngày 10/8/2016, tại Km 3+350 tuyến đường sắt Đông Anh – Quán Triều có chốt gác, cần chắn: tàu va ô tô đầu kéo lúc 1h48" (địa phương chỉ cảnh giới từ 5h-22h) làm trật bánh đầu máy. Gần đây nhất, vụ tai nạn tàu va ô tô tại đường ngang cảnh báo tự động Km 15+380 tuyến đường sắt Bắc – Nam (khu vực Thường Tín, Hà Nội) lúc 5h18" ngày 24/10/2016, làm 6 người chết, 1 người bị thương. Tại đường ngang này, một doanh nghiệp tự lắp cần chắn, cử người cảnh giới từ 7h-21h.
Vì vậy, để phát huy hơn nữa hiệu quả địa phương tham gia tổ chức cảnh giới giao cắt đường bộ - đường sắt, đảm bảo an toàn, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề nghị, đối với các điểm giao cắt mà địa phương đang tổ chức chốt gác (có chòi gác, cần chắn hoặc giàn chắn, điện thoại báo có tàu và người trực 24/24h), địa phương tiếp tục thực hiện, đồng thời phối hợp với các công ty đường sắt trên địa bàn để bổ sung dụng cụ phòng vệ và điều chỉnh vị trí lắp đặt cần chắn theo đúng quy định.
Đối với các vị trí đang tổ chức chốt gác (có chòi gác, cần chắn hoặc giàn chắn) hoặc tổ chức cảnh giới (có lắp thêm cần chắn) nhưng không cử người trực liên tục, địa phương nên cử người chốt gác 24/24h. Trường hợp không thực hiện được, Tổng công ty đề nghị địa phương dỡ bỏ các cần chắn đã lắp đặt, chỉ cử người cảnh giới bằng cờ, đèn, còi theo quy định. Ngoài ra, tiếp tục rà soát các lối đi dân sinh qua đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao để tổ chức cảnh giới, chốt gác.
Được biết, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam có 42 điểm giao cắt đường bộ - đường sắt (bao gồm cả đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo, lối đi dân sinh) do địa phương đảm nhiệm tổ chức cảnh giới, chốt gác nhưng chỉ cảnh giới từ sáng đến tối, nhưng sớm nhất là 5h và muộn nhất cũng chỉ đến 22h.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận