Xã hội

Đường sắt đô thị và giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh

15/08/2024, 13:15

Tàu điện ở Hà Nội là ví dụ chứng minh sự cần thiết của đường sắt đô thị nhờ năng lực vận tải hành khách khối lượng lớn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, không phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có ngày đạt kỷ lục 100.515 khách

Sáng nay (15/8), tại buổi tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó", ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hanoi Metro cho rằng, vấn đề chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay không phải là dễ hay khó mà buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn.

Đường sắt đô thị và giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh- Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hanoi Metro.

Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết, sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách.

Với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh -Hà Đông có 20% hành khách có ô tô nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.

Hà Nội đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.

"Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự nỗ lực của cả các doanh nghiệp và thành phố", ông Trường nói.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, việc chuyển đổi là khó chứ không phải dễ, tuy nhiên rất cần thiết.

"Ở một số nước, vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh chứ không đơn thuần là ý thức. Bởi nếu không chuyển đổi giao thông xanh ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến sức khỏe con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường", ông Tùng nói.

Đường sắt đô thị và giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh- Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII).

Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII) nhấn mạnh xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại ra chứ không thể lùi.

Tuy nhiên, để xe công cộng tốt phải có bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, kể cả các trạm nạp pin, điện.

Hệ thống đường sắt đô thị là "xương sống"

Phát biểu tại tọa đàm, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Trong đó, việc rất quan trọng mà cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm và ùn tắc đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân.

"Chúng tôi thấy rằng, việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất, tích cực tham gia chuyển đổi phương tiện xanh. Đồng thời, cũng cần tính toán cơ chế, thể nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô", ông Hải nói.

Đường sắt đô thị và giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh- Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Ông Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô nội dung kết nối toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho thấy, tàu điện ở Hà Nội là ví dụ chứng minh sự cần thiết của đường sắt đô thị nhờ năng lực vận tải hành khách khối lượng lớn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, không phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, giảm khí thải là chủ đề toàn cầu đặt ra thách thức lớn với toàn nhân loại. Trong đó, từ lâu đường sắt đã được đánh giá là phương tiện thân thiện mới môi trường và Ban Đường sắt là đơn vị được TP Hà nội giao trực tiếp phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Ông Minh cho biết, các thành phố trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

"Ai cũng cảm nhận rất rõ sự cần thiết phải có hệ thống đường sắt đô thị như "xương sống" cho hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội hoặc bất cứ đô thị nào trên thế giới", ông Minh nhìn nhận.

Làm hơn 400km đường sắt đô thị trong 10 năm tới là thách thức lớn

Theo ông Minh, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến 2035 Hà Nội phải đạt được hệ thống metro, Chính phủ cũng đã phê duyệt vào năm 2035, Hà Nội sẽ có hệ thống metro gồm 10 tuyến, tổng chiều dài cả đi ngầm lẫn đi nổi khoảng 400km.

"Đây là thách thức rất lớn. Bản thân chúng tôi cũng đã đặt 3 câu hỏi", ông Minh nói.

Thứ nhất là làm gì để xây dựng 400km đường sắt metro giải quyết các vấn đề về đi lại cho người dân?

Hai là nguồn kinh phí đầu tư từ đâu? Bởi vì thực hiện đề án đòi hỏi về nguồn vốn 55 tỉ USD trong thời gian xây dựng ngắn, đến năm 2035 trong khi đất nước và hạ tầng giao thông khung còn nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư như văn hoá, giáo dục, rác thải.

Đường sắt đô thị và giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Ba là làm thế nào? 15 năm qua Hà Nội mới làm được 2 đoạn tuyến đường sắt đô thị, TP.HCM còn đang nỗ lực thực hiện tuyến số 1. Vướng mắc có rất nhiều nguyên nhân do cả chủ quan lẫn khách quan, đã được báo cáo các cấp ngành.

"May mắn chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của cấp cao nhất của Chính phủ, thành phố, cơ quan ban ngành. Khi tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau đó tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào khai thác đã giúp người dân dần hiểu về đường sắt đô thị", ông Nguyễn Cao Minh nói.

Theo ông Minh, khi phát triển đường sắt đô thị cần coi công tác truyền thông là nhiệm vụ, công tác quan trọng. Bởi hiện nay ta đang làm còn mờ nhạt, rất cần truyền thông để chia sẻ và đón nhận ý kiến phản biện, đóng góp của người dân nhằm cải thiện hệ thống metro tốt hơn.

"Theo tôi, việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân về phương tiện công cộng cần chuyển đổi nhanh bởi nếu không nhanh sẽ gặp khó khăn do đó, cần phải có những cơ chế đột phá. Chúng tôi đang tập trung mời các chuyên gia để đóng góp ý kiến, kêu gọi các nhà đầu tư, và tính đến việc khai thác bền vững, đồng thời mong rằng truyền thông đồng hành cùng với đơn vị trong quá trình xây dựng hệ thống đường sắt để xây dựng metro Việt Nam sánh ngang cùng với khu vực", ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.