Phối cảnh giếng thông gió (phần khoanh) nằm cạnh nhà dân, cửa xả hướng ra ngoài phố |
Thiết kế hệ thống giếng thông gió S9 của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (do TP Hà Nội làm chủ đầu tư) không đáp ứng quy chuẩn Quốc gia công trình ngầm đô thị và vấp phải sự phản ứng của những hộ dân bị ảnh hưởng.
Bộ Xây dựng “bật đèn xanh”
Trong thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có phần đi ngầm qua địa bàn các phường Ngọc Khánh, Cát Linh, Văn Chương, Văn Miếu và Cửa Nam. Phần đi ngầm này bắt buộc phải có các hệ thống thông gió bao gồm quạt và ống thông gió.
Tuy nhiên, hệ thống thông gió đường ngầm S9 qua các hộ dân từ số nhà 419 đến 477 đường Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội lại được thiết kế chỉ cách nhà dân vài mét. Theo thiết kế này, để làm giếng thông gió phải lấy đất ở của dân nên buộc phải GPMB. Theo phản ánh của những hộ dân ở đây, các giếng sẽ nằm trong khu dân cư, gây ra nhiều tiếng ồn, xả khí thải độc hại, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Ông Ngọc, chủ số nhà 467 đường Kim Mã cho rằng, các ống thông gió có đường kính mấy chục mét và cao khoảng 4m được xây dựng sát nhà dân còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra sự cố. “Cách vị trí này chỉ khoảng hơn trăm mét là bãi đất trống, tại sao không thiết kế giếng thông gió ở đấy?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia công trình ngầm đô thị quy định: “Khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất cửa thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các bến xe ô tô kín hoặc hở, các khu vực thương mại và các cửa sổ của nhà dân và công trình không được nhỏ hơn 25m, đến các trạm tiếp nhiên liệu cho ô tô, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường dẫn khí và dầu, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất - không nhỏ hơn 100m”. |
Tháng 10/2014, trước sự phản ứng gay gắt của các hộ dân tại đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về áp dụng QCVN 08:2009/BXD liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió 3, 4, 5, 6 thuộc ga ngầm S9 trên phố Kim Mã.
Sau đó khoảng một tháng, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời, ghi rõ: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là văn bản bắt buộc phải áp dụng. Đơn vị thiết kế, các bên tham gia cần tuân thủ hoặc có giải pháp thích ứng, đảm bảo điều kiện quy định trong quy chuẩn”. Các hộ dân cho rằng, như vậy văn bản này của Bộ Xây dựng đã nêu rõ thiết kế giếng thông gió phải tuân thủ Quy chuẩn 08.
Tuy nhiên, cũng văn bản này, Bộ Xây dựng yêu cầu: “Trường hợp trong thực tế không thể giải phóng được mặt bằng, đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và biện pháp xử lý đảm bảo an toàn môi trường và an toàn cộng đồng đối với các vị trí đặt giếng thông gió và phải giải thích cho người dân”. Viện dẫn nội dung này, cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá của Cơ quan tư vấn Pháp và Tây Ban Nha, chủ đầu tư vẫn quyết định giữ nguyên thiết kế.
Địa phương, đại diện chủ đầu tư nói gì?
Sự việc nhùng nhằng gần hai năm qua, mới đây, UBND phường Ngọc Khánh có văn bản yêu cầu các hộ dân tại đây ngừng kinh doanh để phục vụ kiểm đếm, GPMB. Cho rằng chưa được giải đáp thỏa đáng mà đã yêu cầu ngừng kinh doanh - nguồn sống của bao con người đang sinh sống, làm ăn hợp pháp, các hộ dân đã phản ứng gay gắt.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết, liên quan đến công tác GPMB đối với các hộ dân này, UBND phường chỉ thực hiện theo chỉ đạo của UBND Q. Ba Đình. Phường đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân. Còn về những ý kiến của người dân về ga S9, quận đang chờ TP. TP đã yêu cầu Sở Xây dựng có ý kiến trả lời. Khi nào TP có ý kiến về vấn đề này, trực tiếp quận sẽ tổ chức họp với các hộ dân để trả lời ngay.
Về việc thông báo ngừng kinh doanh, phường thực hiện theo chỉ đạo của quận. “Bây giờ mới chỉ là lên phương án, chưa GPMB đâu. Bước 1 mới chỉ là tiến hành kiểm đếm. Trong khi chờ ý kiến của TP, quận vẫn tiến hành thiết lập hồ sơ và ra quyết định cưỡng chế kiểm đếm”, ông Tú nói.
Còn ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trước những bức xúc, kiến nghị của người dân, chủ đầu tư đã đề nghị các cơ quan tư vấn nghiên cứu xem xét thiết kế di chuyển các giếng thông gió, tránh ảnh hưởng đến người dân. Sau khi nghiên cứu, Cơ quan tư vấn Sytra (Pháp) tiếp tục khẳng định phương án thiết kế đã được phê duyệt là tối ưu. Giếng thông gió được thiết kế cao hơn 5m, cách nhà dân xung quanh từ 2,5 - 3m với tất cả các cửa xả quay ra đường có không gian mở, vách ngoài có bậc chịu lửa hơn một giờ, tiêu chuẩn phát thải tiếng ồn thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
“Tuy không đáp ứng hoàn toàn theo Quy chuẩn 08 về khoảng cách 25m, nhưng thiết kế với các giải pháp kĩ thuật vẫn đảm bảo các yêu cầu của khác của Quy chuẩn. Vấn đề người dân nêu ra cũng được các cơ quan ban, ngành TP xem xét kĩ lưỡng trong điều kiện đô thị chật hẹp, giảm thiểu tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng nhà dân và quyết định tiếp tục triển khai thi công theo thiết kế, tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Hoàng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận