Ga Lưu Xá nằm trên tuyến đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên |
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, TW Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã chủ trương khôi phục và đẩy mạnh hoạt động của các tuyến đường sắt. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 9/1954 nêu rõ: “Khôi phục nhanh chóng đường xe lửa, đường ô tô, vận tải sông ngòi có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Đó là điều không thể thiếu trong việc phát triển sản xuất, phồn vinh kinh tế”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, toàn ngành Đường sắt đã khẩn trương khôi phục các tuyến đường hư hỏng, đồng thời đảm bảo vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Đáng chú ý có việc khởi công mở tuyến đường sắt Đông Anh - Thái Nguyên vào ngày 11/7/1959. Tuyến đường này do ta tự thiết kế, thi công ở tất cả các hạng mục công trình nhằm phục vụ việc xây dựng khu gang thép Thái Nguyên.
Hơn 2 vạn cán bộ, công nhân đã làm việc liên tục hơn một năm trời, đào đắp gần 3 triệu m3 đất, rải 47.216 m3 đá dăm, đặt 5.500 tấn ray, xây dựng 14 cầu lớn, nhỏ (có những cầu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như: Phù Lỗ, Đa Phúc, Trà Vườn), 50 cống và hệ thống các nhà ga.
Ngày 28/8/1960, tổ chức lễ khánh thành. Ngày 30/8/1960, tuyến đường sắt mới dài 57km đã chính thức thông xe, nối liền Thủ đô Hà Nội với TP Thái Nguyên - Khu công nghiệp hiện đại có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép.
Đến cuối năm 1964, miền Bắc đã có 926km đường sắt tuyến chính và 71km đường nhánh với 99 đôi tàu khả năng và 55 đôi tàu thực tế. Ngành Đường sắt đã hoàn thành được kế hoạch vận chuyển với 4,2 triệu tấn hàng hóa, 22 triệu hành khách, 172 ngàn tấn hành lý. Chính nhờ nhận thức được vị trí, chức năng của vận tải đường sắt, xác định được công tác trung tâm “vận tải phục vụ là chủ yếu, kinh doanh là quan trọng” nên ngành Đường sắt đã phục vụ tốt cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, phục vụ văn hóa và an ninh quốc phòng, chi viện miền Nam...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận