Quặng apatit là mặt hàng truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng vận tải hàng hóa của ngành Đường sắt - Ảnh: Ngô Vinh |
Thị phần vận tải tại khu vực các đường nhánh đi vào các nhà máy, khu công nghiệp dù là thị trường truyền thống của đường sắt nhưng thời gian qua mất dần về tay đường bộ, đường thủy. Ngành Đường sắt sẽ thực hiện nhiều chính sách đổi mới chất lượng dịch vụ để quyết “kéo lại” thị phần truyền thống này…
Mất thị phần vì chất lượng dịch vụ kém
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN (VNR) cho biết, vận tải hàng hóa bằng đường sắt có vai trò quan trọng và là phương thức vận chuyển chủ yếu trong thời kỳ quản lý kế hoạch tập trung của Nhà nước tại khu vực phía Bắc. Vì vậy, hầu hết các nhà máy sản xuất lớn, các cảng biển, cảng sông đều có nhánh đường sắt chuyên dùng nối trực tiếp vào đường sắt quốc gia để tổ chức vận chuyển.
VNR yêu cầu các công ty vận tải đường sắt xây dựng quy trình phục vụ khách hàng đảm bảo công khai và minh bạch, đặc biệt đối với công tác cấp toa xe xếp hàng; Ưu tiên thực hiện hợp đồng vận tải đối với khách hàng truyền thống, đảm bảo cấp toa xe xếp hàng theo kế hoạch của tháng, kể cả lúc cao điểm vận tải; Tổ chức điều hành chạy tàu đảm bảo kỳ hạn vận chuyển, cung cấp kịp thời thông tin về lô hàng khi khách hàng có nhu cầu như: Vị trí hiện tại của lô hàng, dự kiến thời gian đến ga dỡ hàng... |
Các đường nhánh này tập trung vào bốn nhóm chính: Nhóm các nhà máy sản xuất phân bón; Nhóm các nhà máy sản xuất xi măng; Nhóm các ga có nhánh đường sắt nối với cảng biển, cảng sông và nhóm các nhà máy khác. Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, những năm gần đây, sản lượng vận chuyển đường sắt từ các nhà máy có đường nhánh thấp và xu hướng tiếp tục sụt giảm. Như các nhà máy sản xuất xi măng có nhánh đường sắt chuyên dùng sản xuất bình quân mỗi năm trên 12 triệu tấn và nhập nguyên liệu đầu vào (thạch cao, than, đá bọt...) khoảng 2 triệu tấn nhưng hiện nay vận chuyển bằng đường sắt mới chỉ được khoảng 1%.
Lý giải điều này, ông Vương Khả Sơn, Quyền Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Bỉm Sơn cho rằng, tổng giá cước trọn gói vận chuyển bằng đường sắt cao, không ổn định. Mặt khác, đường sắt không cấp đủ xe xếp hàng theo hợp đồng vận chuyển, làm mất uy tín của các đơn vị dịch vụ vận tải đường sắt, phải tìm phương tiện vận tải khác. “Trong khi đó, đơn vị phải mất nhiều chi phí duy tu đường nhánh hàng năm”, ông Sơn nói.
Ông Quốc Anh cũng thẳng thắn chia sẻ: “Chất lượng dịch vụ vận tải của đường sắt quá kém, từ khâu cấp xe xếp hàng, lập tàu, dồn dịch xếp dỡ cũng như làm thủ tục vận chuyển, giao nhận hàng, theo dõi kỳ hạn vận chuyển. Chế độ chăm sóc, ưu đãi cho khách hàng truyền thống, khối lượng lớn còn hạn chế, không thường xuyên. Trong khi đó, đường thủy, đường bộ linh hoạt hơn, giá cước lại cạnh tranh”.
Cam kết ưu tiên khách hàng truyền thống
Trước thực trạng trên, trực tiếp lãnh đạo VNR đã đi “tiếp thị” tại các nhà máy, khách hàng truyền thống có đường sắt nhánh nhằm “kéo lại” thị phần vận tải này. “Không thể ngày một ngày hai có thể nâng ngay được. Nhưng đường sắt rất cầu thị, tiếp thu ý kiến khách hàng và thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, mời được khách hàng đến với đường sắt đã khó nhưng để khách hàng “chung thủy” với đường sắt càng khó hơn. Vì vậy, không chỉ cung cấp dịch vụ tốt nhất, giá cước linh hoạt, đường sắt phải đồng hành với khách hàng trong đảm bảo thực hiện kế hoạch SXKD.
Cam kết “không để xảy ra tình trạng khi thuận lợi, nhu cầu vận tải tăng cao thì bỏ bẵng khách hàng truyền thống, khi thị trường vận tải khó khăn lại quay lại, tìm đến khách hàng”, Tổng giám đốc VNR Vũ Tá Tùng vừa yêu cầu các đơn vị đường sắt triển khai ngay các biện pháp chăm sóc, ưu đãi khách hàng vận chuyển đường sắt nhánh. VNR cam kết tiết giảm tối đa chi phí bằng cách điều hành tổ chức chạy tàu, điều cấp xe rỗng hợp lý; Sử dụng tối đa đầu máy công suất lớn có định mức tiêu hao nhiên liệu thấp; Khi giá dầu giảm sẽ cân đối giảm giá sức kéo phù hợp để giảm giá cước vận tải. Về giá cước, công khai minh bạch, phù hợp với sự biến động của thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận