Hành khách Nguyễn Đức Thái (TP Vinh) may mắn mua được vé 10.000 đồng tuyến Hà Nội - Vinh |
Đề án nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh mà Bộ GTVT vừa phê duyệt thực sự là cơ hội lớn để tuyến đường sắt giàu tiềm năng bậc nhất cả nước này “lột xác” khẳng định vị thế, hút thêm khách và nâng cao thị phần vận tải.
Tiềm năng quá lớn
Ngày 1/6 vừa qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã khai trương đôi tàu nhanh SE35/SE36 giữa Hà Nội - Vinh, chạy ban ngày với hành trình chỉ 5 giờ 30 phút với giá vé linh hoạt và nhiều chính sách khuyến mãi.
Trực tiếp có mặt trên các chuyến tàu này, PV Báo Giao thông rất bất ngờ vì cả hai chuyến tàu trong ngày khai trương, dù không phải dịp cuối tuần nhưng khách đông nghịt. Tàu SE36 xuất phát tại Vinh đã có đến 410 khách trên tổng số 432 chỗ theo phương án vé, chưa kể khách lên dọc đường. Còn tàu SE35 xuất phát tại Hà Nội phải nối thêm toa chở thêm 700 hành khách.
Chị Hồ Thị Vinh - một khách đi tàu chia sẻ, tàu SE35/SE36 có hành trình, giờ xuất phát hợp lý. Chỉ hơn 5 tiếng đồng hồ là rất nhanh, tương đương với ô tô, nhưng giá lại rẻ, an toàn.
Theo Đề án Nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh, tới đây sẽ nâng cao số lượng đôi tàu và doanh thu, bảo đảm mức tăng trưởng sản lượng vận tải đường sắt hàng năm từ 8% trở lên. Đến năm 2020, sản lượng vận tải thông qua trên tuyến đạt 2,6 triệu lượt khách/năm và 4,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Về tốc độ chạy tàu trên tuyến đảm bảo được tốc độ trung bình của tàu khách là 80 km/h, tàu hàng là 60 km/h. Tàu SE35/SE36 giá vé giường nằm điều hòa tầng 1 (giá nguyên vé, chưa giảm) là 310.000 đồng/vé. Trong khi đó, tàu NA1/NA2 Hà Nội - Vinh hiện hành (tàu địa phương) giá vé ngồi cứng là 165.000 đồng/vé, giá vé giường nằm điều hòa tầng 1 là 405.000 đồng/vé. Trong khi đó, giá vé ô tô trên tuyến này thường từ 200.000-270.000 đồng/vé tùy loại xe, loại chỗ (giường hay ghế). |
Anh Nguyễn Đức Thái phấn khởi vì may mắn mua được tấm vé giá rẻ chỉ 10.000 đồng ngay chuyến tàu khai trương đầu tiên. “Đi tàu tiện, rẻ thế này chắc chắn đông khách”, anh Thái nói.
Hiện ngành Đường sắt đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng nên cơ hội mua vé giá rẻ rất cao. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, việc khai trương đôi tàu SE35/SE36 là một trong các giải pháp của Đề án Nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh mà Bộ GTVT mới phê duyệt. Vì tuyến Hà Nội - Vinh qua nhiều tỉnh, thành phố dân cư đông đúc nên tiềm năng lớn.
“Qua khảo sát, chỉ tính riêng học sinh, sinh viên đã có khoảng 60.000 người Nghệ An học tập tại Hà Nội, chưa kể người làm việc, sinh sống tại Hà Nội hay người đi công tác, khám chữa bệnh, thăm thân. Ngoài ra, còn có luồng khách du lịch biển và danh lam thắng cảnh vào dịp hè, các đợt nghỉ lễ dài ngày đi từ Hà Nội, các tỉnh lân cận đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh. Đây thực sự là tiềm năng lớn”, bà Hà nói.
Về vận tải hàng hóa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh cho biết, đây là tuyến tập trung nhiều đường sắt nhánh vào các nhà máy xi măng, phân bón. Hiện, đường sắt đang đảm nhận một phần khối lượng vận chuyển vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra cho các nhà máy này, tuy nhiên sản lượng còn thấp.
Như Nhà máy Phân lân Văn Điển, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là quặng apatit với khối lượng bình quân 180.000 tấn/năm và đá xà vân (quặng Secpentin) 90.000 tấn/năm, than 80.000 tấn/năm, đá xa thạch khoảng 30.000 tấn/năm. Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn sản xuất xi măng và klinke với khối lượng 4,5 triệu tấn/năm và nguyên liệu đầu vào gồm than cám, thạch cao, đá bọt... khoảng 560.000 tấn/năm. “Tổng khối lượng thị trường khảo sát được là 25 triệu tấn hàng hóa và 30 triệu lượt hành khách, gấp hàng chục lần so với hiện nay. Trong đó, hàng hóa vận chuyển ở cự ly trên 500km chiếm khoảng 40%”, ông Quốc Anh nói.
Đón hành khách từ nhà đến ga
Đề án Nâng cao khả năng khai thác vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh cũng đặt ra vấn đề phải tận dụng khai thác tối đa năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có; đồng thời nâng cao sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến, tăng doanh thu. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài đã được đặt ra, trong đó có cả điều hành tổ chức vận tải; kết nối các tuyến đường sắt và phương tiện vận tải khác.
Ông Phan Quốc Anh cho rằng, trước mắt, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ rà soát, nắm bắt nhu cầu vận chuyển của các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào và các đại lý tiêu thụ sản phẩm để tổ chức chạy tàu hàng phù hợp.
“Chúng tôi cũng liên kết với các công ty lữ hành du lịch nghiên cứu tổ chức tàu du lịch kết nối các điểm du lịch trên các tuyến như: Vinh - Hà Nội - Lào Cai và ngược lại, Vinh - Hà Nội - Đồng Đăng… để đến năm 2020 chạy thêm được 2 đôi tàu du lịch/ngày”, ông Quốc Anh cho biết và thông tin thêm, đường sắt sẽ tăng cường kết nối các phương thức vận tải, mở thêm các tuyến xe buýt kết nối trực tiếp đến cửa ga. “Chúng tôi sẽ tổ chức bán vé trọn gói cho hành khách, bố trí đưa đón khách từ nhà đến ga và ngược lại”, ông Quốc Anh nói.
Để tăng sản lượng hàng hóa tuyến Hà Nội - Vinh, Tổng công ty Đường sắt VN tới đây sẽ nâng cấp phương tiện, thiết bị bằng việc đẩy nhanh tiến độ dự án đóng mới 250 toa xe container; Hoàn thành dự án đóng mới 4 ram xe (đoàn toa xe) khách tiên tiến, chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Cuối năm nay sẽ khai thác 2 ram xe mới. Hoàn thành dự án đóng mới 50 đầu máy trong dự án 100 đầu máy đã được Bộ GTVT phê duyệt và theo kế hoạch tháng 12/2017 hoàn thành, đưa vào vận dụng 20 máy, sang năm 2018 sẽ đưa ra 30 máy để thay thế dần các đầu máy lạc hậu, tốn nhiên liệu đang kéo tàu trên tuyến.
“Ngành Đường sắt cũng tính toán để nâng cấp, cải tạo 16 khu gian đang có chất lượng kết cấu hạ tầng kém, đồng thời xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ đường dân sinh qua đường sắt. Khi đó, năng lực thông qua của khu đoạn tăng xấp xỉ 23-25 đôi tàu/ngày đêm, trong khi hiện tại chỉ được 21 đôi tàu/ngày đêm; tổng thời gian chạy tàu rút ngắn khoảng 60 phút so với hiện tại”, ông Quốc Anh thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để thực hiện các giải pháp trên cần công khai cụ thể nguồn vốn trong việc huy động nguồn lực. Tổng công ty Đường sắt VN cần xây dựng phương án, cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư, chủ hàng cùng xây dựng bãi hàng, nhà kho, đường nhánh mới theo phương án xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư đóng mới đầu máy, toa xe được huy động từ nguồn vốn SXKD và bằng vốn vay thương mại của Tổng công ty Đường sắt VN và các công ty cổ phần vận tải đường sắt. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận