Việc cổ phần hóa các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải triệt để |
Thoái vốn triệt để
Từ ngày 27 - 31/10, VNR sẽ bán đấu giá cổ phần tại bốn công ty thành viên gồm: Công ty CP Vật liệu xây dựng đường sắt phía Nam, Công ty CP đá Chu Lai, Công ty CP cơ khí đường sắt Đà Nẵng và Công ty CP Sài Gòn Hỏa xa. Việc thoái vốn này được thông qua Công ty Cổ phần chứng khoán Quốc gia - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Đây được xem là bước cụ thể hóa lộ trình thoái vốn các doanh nghiệp thành viên của VNR.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, thực chất đây là đợt thoái vốn chứ không phải chào bán đấu giá lần đầu. “Chúng tôi sẽ chỉ tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sắt, còn lại sẽ thoái vốn triệt để. Chúng tôi đã thuê các tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá chào bán. Giá khởi điểm sẽ tối thiểu bằng hoặc trên mệnh giá. Đã có nhiều nhà đầu tư ngoài ngành và cả cán bộ công nhân viên tại các công ty trên quan tâm đến cổ phần tại các công ty này”, ông Tùng cho biết.
Hiện vốn của VNR tại các công ty cổ phần ước tính hàng trăm tỷ đồng. Sau khi thoái vốn xong, thì đây sẽ là nguồn lực để nâng cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ khối vận tải được xác định là xương sống của VNR sau cổ phần hóa. |
Trong năm nay VNR dự tính sẽ hoàn thành thoái vốn tại 13 công ty cổ phần (giai đoạn 1). VNR cũng đã báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho thoái vốn tiếp tục tại 14 công ty cổ phần khác có vốn góp (giai đoạn 2). Nếu được chấp thuận, dự kiến sẽ xong 5/14 công ty trong quý IV năm nay. Thực tế 27 công ty thoái vốn đợt 1 và 2 này đã được cổ phần từ những năm 2010, 2011 nên thoái vốn không nhiều.
Bên cạnh đó, VNR cũng đang xây dựng phương án cổ phần hóa hai công ty vận tải hành khách Hà Nội và Sài Gòn và 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khác. Theo lộ trình, toàn bộ khối vận tải đường sắt, quản lý đường sắt sẽ được cổ phần hóa và hoạt động từ đầu năm 2016. Các ngành nghề ít liên quan đều được thoái vốn triệt để. Đây được coi là bước đi đúng theo Đề án tái cơ cấu đã đặt ra.
“Sau khi cổ phần hóa các công ty vận tải, VNR sẽ cho đấu thầu hành trình tàu khách, tàu hàng đối với các tuyến đường, khu đoạn có nhu cầu vận chuyển lớn, qua đó tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt”, ông Tùng thông tin thêm.
Tiến độ thoái vốn vẫn chậm
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, VNR cần đẩy nhanh hơn các thủ tục thoái vốn để đảm bảo tiến độ kế hoạch. Trong tháng 11 phải xong các thủ tục cổ phần hóa bốn doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV xe lửa Dĩ An, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, hai công ty vận tải và 20 đơn vị kết cấu hạ tầng đường sắt. Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, VNR không nên làm dàn trải mà tùy từng điều kiện của mỗi đơn vị, căn cứ vào quy mô, số vốn và sức hấp dẫn đối với thị trường có thể cho thoái vốn luôn.
“Với cách làm hiện nay, tiến độ thoái vốn sẽ rất chậm. Hơn nữa có nhiều hình thức thoái vốn, có thể thoái ngay trong CBCNV và các cổ đông hiện hữu chứ không nhất thiết cứ phải đưa ra bán đấu giá qua tổ chức tài chính trung gian”, ông Thắng nói.
Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng tiến độ thoái vốn của VNR đang chậm. Việc cổ phần hóa các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng và thông tin tín hiệu phải triệt để, Nhà nước sẽ không giữ cổ phần chi phối. VNR phải xây dựng được hệ thống quản lý hạ tầng chặt chẽ, đảm bảo ổn định sản xuất và cả an toàn chạy tàu. Thứ trưởng Đông cũng yêu cầu VNR đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các công ty cổ phần vốn góp không liên quan đến ngành nghề chính. Đơn vị nào thoái được vốn là làm ngay. Tái cơ cấu song song với quản trị doanh nghiệp và gắn với cổ phần hóa.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận