Tàu Regio 2N Pháp đặt hàng của hãng Bombardier quá khổ so với đường hầm tại Italia. |
Bị “đắp chiếu” vì quá khổ
Để đáp ứng số lượng hành khách tuyến Pháp - Italia tăng cao (khoảng 130 nghìn lượt/ngày), Công ty Điều hành đường sắt quốc gia của Pháp (SNCF) đặt mua 10 tàu Regio 2N từ Tập đoàn Giao thông và Không gian vũ trụ đa quốc gia Canada - Bombardier để phục vụ tuyến đường sắt liên tỉnh chạy dọc đường bờ biển Riviera nối giữa khu vực Les Arcs - Draguignan (Pháp) và TP Vintimille (Italia).
Chưa rõ Pháp định xử lý loạt tàu Regio 2N quá cao kia thế nào nhưng có thể họ sẽ không “xén bớt” nóc tàu để vừa với kích cỡ đường hầm. Trước đây, khi chọn Regio 2N của Bombardier, Pháp nhận thấy con tàu này hội tụ đủ bốn tiêu chí về sức chứa, tầm nhìn và tiện nghi cho hành khách. Đặc biệt, tàu này có thiết kế ghế ngồi có thể xoay chuyển từ ghế đôi sang giường đơn tùy theo loại hình dịch vụ. Đồng thời, tàu được đánh giá cao vì thân thiện môi trường. Tàu được sản xuất từ vật liệu nhẹ, có thể tái chế tới 95%. |
Loạt tàu đã được Bombadier giao cho Pháp từ tháng 11 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động vì tàu cao hơn đường hầm nối giữa hai nước vài mi-li-mét. Trong khi thông cáo báo chí SNCF đưa ra ngày 2/7 khẳng định “cơ sở hạ tầng hầm Ventimiglia có thể phục vụ tàu của cả SNCF (Pháp) cũng như tàu của Italia. Công việc được hoàn thành đúng lịch trình. 10 chiếc Regio 2N sẽ bắt đầu chạy tới Ventimiglia từ tháng 12".
Chỉ vài ngày sau, sai sót trên bị lật tẩy. Nực cười thay, nó không phải do bộ phận kỹ thuật của SNCF tìm ra mà do một nhóm công nhân đường sắt phát hiện. Chủ tịch “The shipwrecks of the TER” (tạm dịch: Sự thất bại của Tuyến đường sắt liên tỉnh Pháp - TER) - ông Eric Sauri cho biết: “SNCF đã xác nhận với chúng tôi 10 tàu Regio 2N không thể chạy quá thị trấn Menton nằm ở biên giới nước Pháp vì nó không vừa với chiều cao đường hầm tại Italia”. Từ thị trấn Menton tới điểm cuối của tuyến tàu tại Ventimiglia dài khoảng 9 km. Vì vậy, những hành khách muốn đi tới tận điểm cuối ở Ventimiglia, họ buộc phải chuyển sang tàu khác.
Giám đốc điều hành SNCF - ông Guillaume Pepy không phủ nhận, chỉ trấn an: “Khi đưa bất cứ thứ gì vào phục vụ, bạn đều phải xem xét lại, có thể sẽ phát sinh vấn đề này, vấn đề kia. Nhưng tất cả đều có thể dễ dàng giải quyết”. SNCF không nói rõ cụ thể cách giải quyết vấn đề cũng như không giải thích được vì sao lại để tình trạng nhầm lẫn kích thước tàu tái diễn.
Cung cấp nhầm kích thước sân ga, “sửa sai” hơn… 50 triệu euro
Cách đây không lâu, SNCF từng dính bê bối mua hàng nghìn chiếc tàu quá “béo” so với sân ga. Khi đặt hàng 2 nghìn chiếc tàu mới trị giá 15 tỷ euro, SNCF yêu cầu Công ty Quản lý hệ thống Đường sắt Pháp (RFF) cung cấp cho họ kích thước sân ga. RFF đã cung cấp nhầm kích thước sân ga được xây dựng cách đây 30 năm, nhưng phần lớn trong số 1.200 sân ga của nước này đều được xây dựng cách đây 50 năm, chỉ đủ chỗ để chứa loại tàu nhỏ hơn. Một số sân ga có thềm quá gần với đường ray khiến tàu mới không thể vào được.
Giải pháp khả thi nhất là sửa lại các sân ga để vừa vặn, phù hợp với loạt tàu mới. Các quan chức nước này nhận định rằng, khoảng 1 nghìn sân ga cần phải được điều chỉnh. Phóng viên BBC Christian Fraser tại Paris cho rằng, đây là sai lầm đáng xấu hổ, khiến hãng điều hành tàu hỏa này phải trả giá đắt, lên tới 50 triệu euro và số tiền để sửa sai này sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Phát ngôn viên của RFF xác nhận, họ đã “phát hiện vấn đề hơi muộn”. Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp Frederic Cuvillier giải thích, sở dĩ có sự nhầm lẫn và không đồng nhất trên là do công tác quản lý đường sắt còn nhiều bất cập. Hai công ty quản lý tàu SNCF và RFF sau một hồi bị tách từ năm 1997; năm 2014, chính phủ lại cải cách và sáp nhập nhằm hạn chế nợ công. Quyết định trên của Chính phủ Thủ tướng Pháp Manuel Valls dẫn đến cuộc biểu tình tốn kém nhất trong lịch sử nước Pháp. Trong một tuần, cuộc biểu tình làm nước Pháp thiệt hại 108 triệu USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận