Thế giới giao thông

Đường sắt Pháp tê liệt vì đình công

27/06/2014, 11:16

Cuộc đình công dài nhất trong lịch sử ngành Đường sắt Pháp (14 ngày) khiến giao thông tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này.

Công nhân ngành Đường sắt đình công biểu tình chống kế hoạch cải cách của chính phủ
Công nhân ngành Đường sắt đình công biểu tình chống kế hoạch cải cách của
chính phủ


Gây thiệt hại 153 triệu euro 


Cuộc đình công bắt đầu từ ngày 10/6, làm tê liệt hệ thống đường sắt nước Pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc di chuyển, đi lại của hàng triệu người kể cả người dân và khách nước ngoài khi Pháp đang vào mùa cao điểm du lịch. Theo Giám đốc công ty quản lý tàu SNCF - Guillaume Pepy, cuộc đình công kéo dài một tuần làm thiệt hại lên tới 153 triệu euro (108 triệu USD). Theo SNCF, 2/3 chuyến tàu trên các tuyến TGV cao tốc bị hủy bỏ, đồng thời 1/2 các chuyến tàu trên các tuyến khác không thể hoạt động bình thường. Các tuyến tàu quốc tế tới Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển cũng bị ngưng trệ.
 

Hiện cuộc biểu tình đã tạm lắng, nhưng trước những bức xúc đang ngày một gia tăng với quyết định cứng rắn của chính phủ, khả năng sắp tới sẽ còn diễn ra nhiều cuộc đình công rầm rộ hơn nữa. Công đoàn CGT đe dọa sẽ thực hiện cuộc "tổng đình công" vào ngày 4/7 tới nhằm làm gián đoạn lễ khai mạc Lễ hội sân khấu Avignon - nơi quy tụ 900 tổ chức sân khấu phục vụ khách xem đêm ngày. 

Ảnh hưởng từ vụ đình công đã lan sang đường bộ khi ngày 19/6, các tuyến đường quanh Thủ đô Paris đã bị tắc nghẽn hơn 300km do người dân phải chuyển sang sử dụng ô tô. Đến 24/6, sau khi tổ chức biểu tình trước Quốc hội, những người biểu tình mới bắt đầu tạm ngừng.

Cuối tuần qua, 2.300 hành khách mắc kẹt cả đêm trên hai con tàu cao tốc TGV vì mất điện. Các quan chức đường sắt Pháp cho rằng, đây là hậu quả hành động phá hoại của những người biểu tình quá khích.


Cuộc đình công diễn ra đúng thời điểm thi cuối cấp của 687.000 học sinh trung học toàn nước Pháp. Để đảm bảo kỳ thi được diễn ra suôn sẻ, công ty SNCF phải sử dụng biện pháp đặc biệt và cực kỳ đắt đỏ - thuê 10.000 nhân công tạm thời để vận hành hệ thống tàu. Bên cạnh đó, giới chức giao thông tổ chức các chuyến tàu đặc biệt và xe bus công cộng gần các trung tâm thi để phục vụ học sinh. Ngoài ra, họ phát hành 150.000 miếng dán ưu tiên cho các học sinh để các nhân viên giao thông công cộng nhận biết và phục vụ học sinh trước. 

Sẽ cải cách triệt để


Hiện nợ của ngành Đường sắt Pháp là 40 tỷ euro và đến năm 2025 có khả năng sẽ tăng gấp đôi. 


Giải pháp khả thi nhất vừa được Quốc hội thông qua là tái hợp công ty quản lý tàu SNCF và công ty quản lý hệ thống đường sắt RFF - từng bị tách ra từ năm 1997. Theo đó, hai công ty đường sắt SNCF và RFF sẽ do một công ty cổ phần quản lý nhưng hoạt động độc lập - kế hoạch này không đáp ứng yêu sách sáp nhập hoàn toàn hai công ty do người biểu tình đưa ra. Nhiều công đoàn của Pháp ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên, hai công đoàn lớn nhất là: CGT và Sud-Rail - từ chối vì cho rằng sẽ dẫn tới cắt giảm việc làm nhưng không có tác động giảm tình hình nợ nần. 


Kể từ khi nổ ra đình công, ban quản lý SNCF đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với công đoàn giải quyết một số vấn đề: Tăng lương, giảm giờ làm nhưng lại không đề cập tới vấn đề quan trọng nhất - kế hoạch giảm nợ. Các cuộc đàm phán đều kết thúc trong vô vọng. Dù vậy, Thủ tướng Pháp Manuel Valls vẫn tuyên bố rằng chính phủ sẽ không nhượng bộ, đồng thời gọi cuộc đình công này là “vô dụng và vô trách nhiệm”. 


Theo nhận định của nhà phân tích Frederic Dabi, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của người dân Pháp dành cho Tổng thống Francois Hollande tụt hạng tới mức khó có thể tăng trở lại (18%), ông Hollande sẽ kiên định lập trường cải cách đường sắt nói riêng và các kế hoạch kiểm soát kinh tế, hạn chế thất nghiệp nói chung của mình vì “ông chẳng còn gì để mất”. 

Trang Trần
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.