Các chỉ tiêu vận tải đều sụt giảm
Hôm nay (4/1), Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 tại hội nghị cho biết, sản lượng, doanh thu toàn Tổng công ty tuy duy trì được mức bằng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, dự kiến toàn tổng công ty, sản lượng đạt hơn 8.402 tỷ đồng, bằng 100,5% so với cùng kỳ 2018, bằng 98,1% kế hoạch; Doanh thu hơn 8.191 tỷ đồng, bằng 100% cùng kỳ, bằng 97,2% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, Công ty mẹ, doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ, đạt 97,3% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 13,9 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 4.273,3 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ và 92,5% kế hoạch do các công ty vận tải xây dựng.
Nguyên nhân do đường sắt tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, với đường bộ và đường biển về vận tải hàng hóa. Sự ra đời của các hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới cự ly ngắn và trung bình, vốn là lợi thế của vận tải đường sắt đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Mặt khác, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế, vì vậy một số nút thắt về hạ tầng chưa được xử lý…
Đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 của Tổng công ty Đường sắt VN, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất đối là công tác quản trị, phải cạnh tranh với các phương thức GTVT khác trong khi điều kiện, cơ sở để có khả năng phát triển còn hạn chế. “Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có vận tải nên rất khó khăn”, bà Hà nói.
Bà Hà cho hay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt VN để đề ra các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2020 và bày tỏ mong muốn các bộ, ban, ngành hỗ trợ Tổng công ty về các cơ chế, chính sách nhằm năng cao khả năng cạnh trạnh, xây dựng chiến lược phát triển ngành GTVT đường sắt trong những năm tới.
Thiếu cơ chế doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN thẳng thắn nhìn nhận, năm 2019 kết quả chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt vào các năm 1979, 1984 và 2019. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế để đầu tư, phát triển hạ tầng đường sắt. Kết cấu hạ tầng trực tiếp và nhà ga đều của Nhà nước, nhưng không có cơ chế để doanh nghiệp tự đầu tư. “Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có tiền cũng không thể bỏ ra để đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy, chỉ cần hơn 30 tỷ để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, sẽ tạo thuận lợi mỗi năm tăng được hai trăm tỷ doanh thu nhưng do vướng cơ chế nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn”, ông Minh nêu ví dụ.
Ông Minh cho hay, để tháo gỡ khó khăn, cần có sự thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội đối với lĩnh vực này, trước tiên là tư duy từ những người làm đường sắt. Luật Đường sắt 2017 đã khẳng định phương thức vận tải đường sắt là phương thức vận tải chủ đạo. Tuy vậy, cần có các cơ chế, chính sách từ Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương để thúc đẩy ngành đường sắt phát triển.
“Không thể một sớm một chiều thay đổi được cơ chế chính sách, thay đổi được tư duy, nhìn nhận của cả xã hội, nhưng đường sắt cần kiên trì, bền bỉ và nỗ lực hơn để thành công”, ông Minh nói.
Tại hội nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tặng Cờ thi đua cho 6 đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt VN. Tổng công ty Đường sắt VN cũng tặng Cờ dẫn đầu thi đua cho 9 đơn vị và Cở chuyên đề cho 4 đơn vị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận