Ảnh minh họa |
Bài báo cho biết, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu VNR phối hợp với Bộ GTVT để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt đôi, khổ 1,435 m. Khi dự án hoàn thành, sẽ nâng tốc độ chạy tàu khách lên 150 km/h, tàu hàng 80 km/h (tàu chở container 120 km/h). Trước mắt chạy chung tàu hàng, lựa chọn đoạn ưu tiên như: Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long...
Đón nhận thông tin một cách tích cực, bạn đọc Văn Minh bình luận: “Một đất nước hiện đại, không thể để tốc độ đường sắt như “rùa bò” được. Tôi ủng hộ tuyệt đối chủ trương đầu tư tuyến đường sắt này, việc rút ngắn thời gian đi lại sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn. Nhất là trong điều kiện nhiều người, nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện đi lại hoặc chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không”.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Thạch Trang viết: “Sáng ăn ở Hà Nội, chiều cà phê Sài Gòn... là những điều tôi đang nghĩ đến bây giờ. Thật tuyệt vời, không có gì là lãng phí khi đầu tư đường sắt tốc độ cao cả. Chẳng lẽ những nước văn minh họ lãng phí hơn cả ta hay sao. Máy bay chỉ chở mỗi chuyến được 100 - 300 khách, khu vực sân bay lại xa Trung tâm thành phố, thời gian check in và làm các thủ tục liên quan mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, tàu có thể đi vào tới trung tâm thành phố, mỗi lần chở được cả nghìn người, thời gian chờ đợi cũng ít hơn, giá cũng có thể rẻ hơn đôi chút... rất nhiều lợi ích khác nữa”.
Trước đó, theo báo cáo của VNR, năm 2015, công tác nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tiếp tục được đẩy mạnh. VNR đầu tư các công trình phục vụ khách hàng như: Sửa chữa, cải tạo và đầu tư xây dựng mới hệ thống mái che, ke ga; Hoàn thành dự án lắp đặt thiết bị vệ sinh tự hoại lên các toa xe khách; Cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác các toa xe khách hiện đại, chạy tàu nhanh, chất lượng cao trên các tuyến. Điển hình là tàu SE3/4 đã được giới truyền thông gắn danh “đoàn tàu 5 sao”; Triển khai bán vé tàu điện tử...
Tuy nhiên, mọi sự nỗ lực chỉ có giới hạn vì trên đường sắt khổ đơn như hiện nay, khi xảy ra sự cố, tai nạn, toàn tuyến sẽ bị tê liệt. Các tàu phải đỗ dừng chờ sửa xong đường ray, giải tỏa hiện trường mới có thể tiếp tục khởi hành. Hơn nữa, với đường sắt khổ hẹp, việc nâng cao tốc độ chạy tàu là vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận