Ảnh minh họa. |
Lâu nay, nói tới đường sắt mọi người thường liên tưởng ngay đến những hình ảnh cũ kỹ, trì trệ, chậm đổi mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với quyết tâm đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng dịch vụ, đường sắt đang dần “lột xác” từng ngày.
Hình ảnh về ngành Đường sắt cũng vì thế thay đổi trong mắt người dân và những hành khách thường xuyên gắn bó với nhà tàu.
Cảm nhận rõ nhất về sự thay đổi này là việc từ đầu năm 2015, ngành Đường sắt đưa vào khai thác đôi tàu SE 3/4 chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại với chất lượng rất cao. Với những toa nằm máy lạnh, các cánh cửa đóng, mở tự động, thuận lợi cho hành khách mang, xách hành lý lên tàu. Khu vệ sinh, buồng rửa trên các toa không những sạch mà còn rất đẹp theo tiêu chuẩn của các tàu du lịch cao cấp. Ghế ngồi mềm được thay bằng loại ghế cao cấp, sang trọng theo tiêu chuẩn châu Âu.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng khi đó không dấu được sự hứng khởi cho rằng: “Đây là sự khởi đầu của việc thay đổi hình ảnh ngành Đường sắt trong năm 2015 và những năm sắp tới”.
Và để hiện thực hóa sự “khởi đầu” đó, ngành Đường sắt đang tiến hành hàng loạt cải cách, trong đó có việc quyết tâm xã hội hóa mạnh mẽ, thu hút thêm nhiều nguồn lực của các nhà đầu tư để hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã có những bước đi ban đầu như: Cho thuê toa tàu, nhượng quyền khai thác, kinh doanh một số đôi tàu trên các tuyến. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, đóng mới và cho thuê toa xe cũng được các đơn vị trong ngành này triển khai thực hiện.
Cùng đó, đường sắt cũng đang bắt nhịp tốt với xu hướng xã hội hóa đầu tư hạ tầng của toàn ngành GTVT khi đã đề xuất cụ thể danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa, bao gồm cả thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác một số tuyến, khu đoạn đường sắt; đầu tư hệ thống nhà ga, kho, bãi hàng một số khu ga theo hình thức đề xuất là nhượng quyền, PPP, BOT. Danh mục các dự án kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt cũng được công khai mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Lãnh đạo ngành Đường sắt cũng khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý khi các nhà đầu tư tham gia bỏ vốn vào các dự án đường sắt.
Với sự nỗ lực “trải thảm xanh” mời gọi của ngành Đường sắt, sẽ không bất ngờ khi tới đây sẽ có một làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào lĩnh vực này như đã và đang diễn ra với các dự án hạ tầng đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận