Đường sắt đã nỗ lực đổi mới từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ nhưng vẫn khó hút khách so với đường bộ và hàng không - Ảnh: K.Linh |
Hơn hai năm nỗ lực tái cơ cấu, bộ mặt đường sắt có nhiều chuyển biến, được người dân và hành khách ghi nhận. Tuy nhiên, do trong nhiều năm, vốn rót cho đầu tư hiện đại hóa đường sắt rất thấp, chủ yếu chỉ để duy tu, sửa chữa nhỏ, kéo theo sản lượng vận tải ngày càng thụt lùi hoặc mất dần thị phần.
Kỳ 1: Vận tải hành khách thụt lùi
Đa phần hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ đường sắt đã được cải thiện, nhưng ngoài các đợt lễ, Tết, tàu vẫn vắng khách, kéo theo sản lượng vận chuyển đường sắt liên tục sụt giảm.
Tàu đẹp vẫn “ế” khách
Đến ga Hà Nội đợt cao điểm vận chuyển Tết Đinh Dậu 2017, nhiều hành khách ngạc nhiên trước hình ảnh tươi mới của nhà ga: Cửa ra vào phòng vé được lắp kính sáng bóng, cảm ứng tự động. Cầu thang cuốn mới tinh dẫn lên phòng đợi tàu tầng 2 rộng rãi, khách đi tàu Tết khá đông nhưng không bị dồn ứ.
Kể từ khi áp dụng phương thức bán vé điện tử năm 2014, hành khách có thể mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi. Hình thức thanh toán cũng đa dạng, không cần in vé vẫn có thể đi tàu bằng thẻ lên tàu điện tử. “Tôi có người nhà ở TP HCM, năm nào cũng vài lần đi tàu về ăn Tết. Giờ chỉ việc ở nhà mua vé, thanh toán online là được. Trước kia phải chạy xe gần 8 km ra ga Sài Gòn mua vé, dịp Tết chen chúc, vạ vật xếp hàng mà chưa chắc có nổi vé”, chị Hà ngồi chờ tàu kể.
Không chỉ đầu tư bán vé tàu điện tử, hơn hai năm qua, ngành Đường sắt còn tiến hành hàng loạt đổi mới, “lột xác” từ nhà ga, con tàu cho đến thái độ phục vụ. “Các nhà ga được cải tạo, nâng cấp và trang bị nhiều tiện ích như: Mái che mưa nắng cho khách đợi lên tàu, ke ga cao bằng sàn tàu, cầu vượt bộ hành ga Hà Nội dẫn ra các đường tàu, nhà vệ sinh sạch sẽ, wifi miễn phí, máy lạnh… Thái độ phục vụ của nhân viên niềm nở, chu đáo hơn nhiều”, chị Hà chia sẻ thêm.
Thay đổi là vậy nhưng đáng buồn là khách đi tàu vẫn vắng, trừ các dịp lễ, Tết. Bà Trần Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Vận tải đường sắt Hà Nội thẳng thắn: “Dịp lễ, Tết, nhiều đoàn tàu kín chỗ, nhưng ngày thường đa phần rất vắng. Thậm chí, ngay trong những ngày lễ, Tết, nhiều đoàn tàu vẫn không kín chỗ”.
Một trưởng tàu khách Thống Nhất chia sẻ, lượng khách đi tàu hàng ngày rất vắng, đi suốt chỉ có vài khách, còn lại là khách đi chặng ngắn như Ninh Bình, Vinh, Huế… “Giá vé tàu cao quá, dịp lễ, Tết từ Hà Nội vào Sài Gòn gần 2 triệu đồng, đi mất hơn ngày trời. Trong khi đó, đi máy bay giá rẻ, kể cả thời gian di chuyển, làm thủ tục chỉ mất khoảng 5 tiếng, mà giá vé lại thấp hơn. Ai người ta đi tàu nữa”, vị trưởng tàu phân tích.
Còn theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, vé máy bay tuyến Hà Nội - Đà Nẵng khoảng 600.000 đồng/vé/chiều, trong khi giá vé đường sắt khoảng 700.000 đồng/vé/lượt giường nằm (điều hòa, khoang 4 giường) nên rất khó thu hút khách.
Còn với tuyến ngắn, đường sắt lại bị ô tô “hút” khách bởi thời gian di chuyển linh hoạt. Nếu năm 2014, rất vất vả mới kiếm được tấm vé đi Lào Cai dịp cuối tuần, nay tàu rất vắng. Ngành Đường sắt buộc phải giảm bớt tàu. Nguyên nhân do khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai khai thác, thời gian rút ngắn chỉ còn khoảng 3 - 4 giờ, đường sắt mất lượng lớn khách đi tàu, nhất là khách đi du lịch Sa Pa, các tỉnh Tây Bắc.
Theo tìm hiểu của PV, hiện giá vé ô tô chất lượng cao Hà Nội - Lào Cai dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/vé. Còn vé ghế ngồi mềm toa điều hòa trên tuyến này chỉ 155 nghìn đồng/vé, vé giường nằm tầng 1 khoang 6 giường cũng chỉ 265.000 đồng/vé. Trong khi đó, năm 2014, lúc cao điểm giá vé ghế ngồi mềm lên đến 294.000 đồng/vé, còn giường nằm điều hòa khoang 4 giường là 645.000 đ/vé. “Chúng tôi đã giảm giá đến 50% để hút khách đi tàu, hiện sản lượng có tăng nhưng chưa vực lại được vì đi ô tô nhanh hơn. Nếu đi bằng ô tô chỉ mất 4 giờ, còn bằng tàu gấp đôi, từ 8-8,5 giờ”, bà Hà nói.
Việc tàu ế khách khiến doanh thu từ vận tải khách của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội năm 2016 chỉ đạt hơn 1.160 tỷ đồng, sụt giảm hơn 12% so với năm 2015; Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, tính chung doanh thu về vận tải hành khách, hành lý đạt 1.112 tỷ đồng, bằng 83,31% năm 2015.
Đường sắt đã nỗ lực đổi mới từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ nhưng vẫn khócạnh tranh với đường bộ và hàng không - Ảnh: K.Linh |
Cạnh tranh thiếu lành mạnh?
Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Trần Thế Hùng thừa nhận tại một cuộc họp gần đây: “Không chỉ hành khách kêu mà đến bản thân chúng tôi cũng thấy giá cao. Tới đây, phải tiếp tục giảm giá vé mới mong hút khách đi tàu”.
Nói là vậy, nhưng để tiếp tục giảm giá vé đường sắt không hề dễ. Một nhà quản lý vận tải đường sắt (xin được giấu tên) phân tích, một đoàn tàu lăn bánh, bất kể đông hay vắng, các công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn phải mất 52-54% chi phí điều hành vận tải. Đây là chi phí trả cho việc tổ chức chạy tàu tại các ga, việc điều hành tàu đi, đến trên tuyến của điều độ chạy tàu, chi phí cung cấp sức kéo (cấp đầu máy, trả công lái máy, nhiên liệu…). Ngoài ra, phí sử dụng hạ tầng đường sắt chiếm 8% doanh thu theo quy định của Nhà nước. Như vậy, dư địa để giảm giá còn rất ít, vì còn phải trả lương người lao động, khấu hao các trang thiết bị phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga, chi phí sửa chữa, chỉnh bị toa xe… Đó là chưa kể phải trích nguồn để tái đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ hành khách, SXKD. Nếu tiếp tục giảm nữa nguy cơ lỗ rất cao.
Đáng nói, trước áp lực doanh thu, sản lượng sau khi cổ phần hóa, thời gian qua còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa hai công ty vận tải. Một nhân viên kinh doanh vận tải (xin giấu tên) cho biết, hiện tượng phổ biến là thư ký bán vé của công ty này không tiếp thị, bán vé cho tàu của công ty kia. Theo phản ánh của hành khách, họ mua vé tàu khứ hồi tại chi nhánh đơn vị phía Bắc nhưng không đi tàu, khi ra trả vé tại chi nhánh đơn vị phía Nam, thư ký bán vé đã gây khó dễ với lý do mua ở đâu trả ở đó. Cũng theo nhân viên này, trước đây, dù hai công ty đã thống nhất chính sách giá vé, kể cả chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng vẫn có chi nhánh giảm giá tiếp đến 20% cho khách đoàn của các đơn vị du lịch để cạnh tranh.
Một nguyên nhân nữa cần phải đề cập là thảm họa kép sập cầu Ghềnh và sự cố môi trường biển miền Trung, rồi bão lũ liên miên đúng dịp hè - cao điểm vận chuyển hành khách đã khiến sản lượng, doanh thu của đường sắt sụt giảm.
Mô hình tổ chức vận tải đường sắt thế nào? Mô hình tổ chức vận tải đường sắt hiện nay do TCT Đường sắt VN - Công ty mẹ điều hành chung. Trực thuộc Công ty mẹ là Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt có chức năng điều hành đầu máy, toa xe, các đoàn tàu chạy trên các tuyến sao cho nhịp nhàng, ăn khớp, đảm bảo an toàn. Quản lý các ga là các chi nhánh khai thác đường sắt trực thuộc TCT. Ngoài chức năng tổ chức chạy tàu, còn khai thác, kinh doanh hạ tầng nhà ga như: Mặt bằng, địa điểm kinh doanh, kho, bãi… Các ga chịu trách nhiệm tổ chức chạy tàu, dồn dịch lập tàu, dồn toa xe xếp, dỡ theo yêu cầu của các công ty vận tải, đảm bảo an toàn, ANTT… Tổng công ty Đường sắt VN cũng cung cấp sức kéo qua 5 chi nhánh là 5 xí nghiệp đầu máy ở các khu vực. Các xí nghiệp đầu máy cung cấp dịch vụ kéo tàu (kéo đoàn toa xe) cho các đơn vị vận tải như cấp đầu máy, nhân viên lái máy… Các đơn vị tổ chức vận tải gồm 3 công ty: Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco). Trong đó, hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần từ tháng 1/2016. Để bao quát hoạt động SXKD toàn mạng lưới, các công ty vận tải tổ chức mô hình chi nhánh, trung tâm hoặc trạm kinh doanh vận tải đặt tại các ga để thực hiện nhiệm vụ bán vé, phục vụ khách, chủ hàng, SXKD vận tải… |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận