Thế giới giao thông

Đường sắt xuyên Á-Âu: Hiện thực hóa tham vọng mới của Trung Quốc

04/12/2014, 07:47

Trung Quốc vừa khánh thành tuyến đường sắt dài nhất thế giới cuối tháng 11, đi qua 8 quốc gia, kết nối châu Á với châu Âu.

Đoàn tàu 82 toa này sẽ tới Madrid (Tây Ban Nha) trong tháng 12 này sau khi đi hết quãng đường 10 nghìn km
Đoàn tàu 82 toa này sẽ tới Madrid (Tây Ban Nha) trong tháng 12 này sau khi đi hết quãng đường 10 nghìn km

21 ngày đi qua 8 nước

Dự kiến, tháng 12 này, đoàn tàu Yixinou sẽ tới Madrid (Tây Ban Nha) sau khi rời Yiwu - trung tâm công nghiệp cách Thượng Hải chưa đầy 320km về phía Nam hôm 18/11. Đoàn tàu hàng 82 toa này sẽ mất khoảng 21 ngày cho hành trình 10 nghìn km, qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Pháp.

Yiwu - thị trường bán buôn lớn nhất thế giới dành cho hàng hóa tiêu dùng nhỏ. Đây cũng là nơi tập trung đông đảo cộng đồng thương nhân nước ngoài, nhiều nhất là cộng đồng người Arab. Và dự án đường sắt này cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc kết nối giữa nền kinh tế đang bùng nổ của mình với các thị trường châu Âu theo phương châm biên giới mềm: Ở đâu có hàng hóa Trung Quốc đó là đường biên giới của nước này. 

Trong khi đó, EU là khu vực đang nhập khẩu nhiều hàng hóa của Trung Quốc nhất. Tổng giao dịch giữa hai bên là hơn một tỷ USD mỗi ngày. Giới doanh nghiệp ở Yiwu cho biết, tuyến đường này nhanh hơn đường biển và rẻ hơn đường hàng không, đồng thời, còn giúp vận chuyển hàng hóa hai chiều giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hai hình thức vận tải này. Trước đó, việc chạy thử nghiệm tuyến đường sắt mới đã bắt đầu từ đầu năm, trên tuyến Yiwu - Trung Á, giúp tăng giá trị xuất khẩu của khu vực này thêm 39 triệu USD. Ông Huang Qifan, Thị trưởng Trùng Khánh, một trung tâm công nghiệp lớn ở Tây Nam Trung Quốc cho rằng, chi phí sẽ giảm khi cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng.

Tham vọng khôi phục Con đường tơ lụa

Thuật ngữ Con đường Tơ lụa xuất hiện từ thế kỷ 19, để chỉ các tuyến đường bộ thương mại cổ xưa cách đây hơn hai nghìn năm xuyên qua Trung Á, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi thương mại Đông - Tây. Hiện vẫn còn một số tranh cãi cho rằng, Con đường Tơ lụa không phải là do người Trung Quốc tạo ra. Tuy nhiên, từ thời xưa, nhiều tuyến đường kết nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài đều được gọi là “Con đường Tơ lụa”. Bởi vậy, để hiện thực hóa tham vọng khôi phục Con đường Tơ lụa cổ đại, Chính phủ Trung Quốc đã chi 40 tỷ USD ban đầu để cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần vận tải đường sắt. Và tuyến đường sắt Yiwu - Madrid là nỗ lực mới nhất trong việc đem lại sức sống cho thương mại xuyên lục địa trên đất liền. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hồi mùa thu vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra rất lạc quan về tương lai tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc với châu Âu này và “mong đợi sự tham gia tích cực của phương Tây trong việc xây dựng và vận hành tuyến Yiwu - Madrid nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc - Tây Ban Nha lên một tầm cao mới”. Một số chuyên gia nói rằng, dự án có tính địa chính trị với các mục đích để kết nối chặt chẽ hơn các nguồn cung cấp hàng hóa, trao đổi thương mại giữa các thị trường ở châu Âu và châu Á. 

Trước đó, Tân Hoa Xã, Hãng thông tấn quốc gia của Trung Quốc đã công bố bản đồ mô tả Con đường Tơ lụa mới cả trên đất liền và trên biển. Theo đó, một tuyến đường sắt thương mại khác được đề xuất sẽ đi tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, dự án Con đường Tơ lụa trên biển được thể hiện bằng một loạt dự án quốc tế như xây dựng cầu cảng dọc Ấn Độ Dương, từ Bangladesh đến dự án Hambantota ở Sri Lank, hay các cơ sở hạ tầng ở Kenya, do các công ty Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD. Không dừng lại ở đó, các dự án toàn cầu nhằm mở rộng các tuyến đường kết nối thương mại của Trung Quốc còn vươn tới cả các vùng biển Đông Phi.

Thùy Linh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.