Sau khi hoàn tất cuộc xâm lược Việt Nam về mặt quân sự, người Pháp triển khai ngay công cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam nói riêng cũng như Đông Dương nói chung.
Chương trình quy hoạch đường sá đầu tiên ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1880, Hội đồng Thuộc địa vừa thành lập đã thông qua chương trình xây dựng hệ thống đường bộ theo đề xuất của Sở Công chính, bao gồm thi công 940km đường thuộc địa và 2.000km đường địa phương.
Đường Thiên lý thời Nguyễn, đường thuộc địa số 1 thời Pháp thuộc, nay là Quốc lộ 1 (Ảnh tư liệu)
Tuyến đường bộ được khảo sát và xây dựng sớm nhất từ Sài Gòn về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là đoạn Sài Gòn - Mỹ Tho được khởi công từ năm 1866, hoàn thành năm 1880.
Cùng với việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt, sau năm 1913 trục đường thiên lý Bắc - Nam tồn tại đến triều Nguyễn, đã được người Pháp cải tạo nâng cấp, mở rộng, vừa phục vụ công việc thi công tuyến đường sắt, vừa tạo thành một tuyến đường bộ đủ cho các loại xe hơi lưu thông với tiêu chuẩn đường bộ của Pháp.
Tuy nhiên, cho đến năm 1943 trên tuyến đường này mới chỉ có 1.500km được rải nhựa và vẫn còn một số đoạn chưa hoàn thiện mặt đường và một số cầu.
Nền đường rải cấp phối đá răm, rộng khoảng 6m, về cơ bản trục đường bộ này song song với tuyến đường sắt, tạo nên trục đường bộ xuyên Việt, song hành với tuyến đường sắt.
Trục đường này người Pháp gọi là đường thuộc địa số 1, theo hướng Bắc - Nam, có chiều dài trên 2.000km, được đánh số là trục đường quốc lộ số 1.
Đến những năm 1936-1940, sau khi hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, đường thuộc địa số 1, hay còn gọi là đường Mandarine (đường cái quan), được kéo dài đến Đồng Đăng, Lạng Sơn và ở phía Nam là tuyến đường thuộc địa số 1 từ Sài Gòn đi Mộc Bài kéo dài đến biên giới Campuchia (sau này là đường số 22). Khi đó chiều dài toàn tuyến đường thuộc địa số 1 dài chừng 2.350km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận