Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng hiệu quả quản lý, phục vụ vận tải (Trong ảnh: Phao dẫn luồng trên sông Tiền) |
Lợi ích lớn
Ông Đỗ Trần Phú, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa (ĐTNĐ) số 15 kể: Năm 2016, một số phao báo hiệu trên tuyến sông Tiền qua tỉnh Đồng Tháp được gắn thêm thiết bị định vị vệ tinh GPS, nhằm kiểm soát vị trí phao từ xa để dịch chuyển kịp thời theo diễn biến luồng. Cũng nhờ thiết bị định vị này, đơn vị đã phát hiện, báo cơ quan chức năng bắt giữ được hai vụ trộm phao, thu hồi được tài sản giá trị khoảng 240 triệu đồng.
“Cách đây vài tháng, chúng tôi phát hiện một phao dẫn luồng trên sông Tiền dịch chuyển bất thường, vòng vèo qua nhiều tuyến sông và dừng lại ở cầu Đồng Nai (TP.HCM) trên sông Đồng Nai, nên báo cho đơn vị chức năng. Sau đó, cơ quan công an xuống kiểm tra, bắt giữ được đối tượng trộm phao”, ông Phú nói và cho biết, ít lâu sau, một chiếc phao khác cũng bị di chuyển bất thường về cầu Rạch Miễu (Đồng Tháp). Từ định vị GPS trên phao, công an địa phương đã kiểm tra, bắt giữ được đối tượng trộm phao. Hiện, hai vụ trộm này đang được cơ quan chức năng thụ lý, chuẩn bị truy tố.
"Cục ĐTNĐ Việt Nam quyết tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, điều hành để giảm thủ công và tăng tính tự động hóa, đồng bộ. Để tạo thuận lợi, Cục sẽ đề nghị sửa thông tư về cơ chế tài chính về bảo trì đường thủy, đề xuất nội dung về đầu tư ứng dụng công nghệ vào trong Nghị định quản lý bảo trì đường thủy”. Ông Nguyễn Văn Loan |
Theo ông Phú, điều này khác xa trước đây, chỉ khi anh em đi kiểm tra tuyến mới phát được phao bị mất. Kể cả khi biết bị mất vẫn rất khó tìm lại được. Còn bây giờ, chỉ cần phao dịch chuyển khỏi vị trí là đã phát hiện được, thuận lợi cho việc điều hành bảo trì và quản lý tài sản.
Ông Nguyễn Văn Loan, Phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Cục ĐTNĐ Việt Nam) xác nhận thông tin về hai vụ mất trộm phao nói trên, đồng thời cho biết, hiện Cục đã lắp định vị GPS trên hơn 1.000 phao dẫn luồng và 800 đèn tín hiệu đường thủy trên cầu, cột đã được gắn định vị GPS, kết hợp cảnh báo tự động về tín hiệu, cường độ ánh sáng để phục vụ công tác quản lý.
“Ngoài hai vụ việc trên, vừa qua, các đơn vị quản lý tuyến đường thủy, qua thiết bị GPS trên phao, đã nhanh chóng tìm lại được 7 quả phao bị trôi dạt do mưa bão, giảm được thiệt hại tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy”, ông Loan thông tin.
Theo đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam, hai năm gần đây, đơn vị rất tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo trì luồng tuyến đường thủy, thay thế cho phương thức thủ công truyền thống vài chục năm qua nhằm tăng hiệu quả quản lý và phục vụ vận tải, đảm bảo ATGT đường thủy. Trong đó, Cục đã thí điểm lắp 12 thiết bị tự động đo mực nước trên một số tuyến đường thủy quốc gia và trong năm 2017 sẽ lắp thêm 40 chiếc nữa. Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đang thí điểm lắp một số camera quan sát, thống kê phương tiện vận tải.
“Thí điểm đọc mực nước tự động cho kết quả thành công, mang lại hiệu quả tốt. Các thông số về mực nước trên tuyến luồng được cập nhật theo giờ, thay cho phương pháp đo thủ công bằng sào. Kết quả đo cũng tự động đưa lên trang điện tử, giảm được thời gian và thủ tục hành chính ban hành thông báo về mực nước”, ông Loan cho biết.
Bên cạnh đó, ngành Đường thủy cũng đã áp dụng đo độ sâu luồng chạy tàu bằng máy hồi âm, thí điểm cấp phép từ xa cho phương tiện ra - vào cảng, bến thủy bằng tin nhắn điện thoại, dùng phao vật liệu nhựa thay thế phao sắt, xây dựng thủy (hải) đồ điện tử...
Vẫn chờ cơ chế
Ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực đường thủy, nhưng theo đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam, việc đầu tư ban đầu khá lớn, song lại thiếu những cơ chế tài chính, quy định pháp lý liên quan. “Để ứng dụng công nghệ phải đầu tư mới thiết bị, nhưng việc này đang bị “trói” bởi Thông tư liên tịch số 102 ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy. Trong nội dung thông tư không có mục chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ trong quản lý bảo trì”, ông Nguyễn Văn Loan nói.
Cũng theo ông Loan, đơn vị phải vận dụng các quy định hiện hành để đầu tư thiết bị đọc mực nước tự động, camera giám sát phương tiện vận tải... Trong khi đó, 55 trạm thu sóng AIS đã được lắp để giám sát phương tiện thủy làm công tác bảo trì, phục vụ phương tiện thủy trên tuyến vẫn chưa thanh quyết toán được vì chưa có quy định chi.
Liên quan đến thiết bị đo mực nước và camera, hiện các thiết bị được lắp tại các bến công vụ của các trạm quản lý đường thủy, tới đây Cục ĐTNĐ Việt Nam dự kiến sẽ lắp tại các khoang thông thuyền của các cầu vượt sông để tăng mức độ chính xác. Tuy nhiên, cũng sẽ gặp khó khăn bởi phụ thuộc đơn vị quản lý cầu có đồng ý hay không, trong khi cũng chưa có quy định về việc này.
Trong lĩnh vực thí điểm cấp phép từ xa bằng tin nhắn điện thoại cho phương tiện thủy ra - vào cảng bến, theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, sau gần một năm triển khai, hiện mỗi tháng có từ 30-35% phương tiện sử dụng hình thức này, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí lên trụ sở cảng vụ làm thủ tục. Tuy vậy, do chưa có quy định chính thức nên vẫn gặp không ít vướng mắc.
Ông Phạm Tiến Hòa, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy Phả Lại (Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, việc thí điểm để thuyền viên không phải lên bờ mà cảng vụ viên sẽ xuống tàu kiểm tra thực tế, làm thủ tục cho phương tiện. Tuy nhiên, do chưa có quy định liên thông với chủ cảng, bến, nên thuyền viên vẫn phải lên bờ để lấy giấy phép đưa cho chủ cảng, bến để phương tiện vào.
Còn theo đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV, việc nhắn tin gây tốn kém chi phí khá lớn cho cán bộ, viên chức khi làm thủ tục bằng tin nhắn. Trong khi chưa có cơ chế trang bị cho các đại diện cảng vụ điện thoại, sim hoặc máy tính bảng và kinh phí để thực hiện công việc cấp phép bằng tin nhắn cho phương tiện ra - vào bến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận