Quản lý

Đường thủy kỳ vọng phát triển từ “Cơ chế 47”

07/02/2016, 09:44

Ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) sau một năm nhiều cải cách, đổi mới để tiếp tục phát triển.

19-0536
Ông Hoàng Hồng Giang.

Ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) sau một năm nhiều cải cách, đổi mới đang có những cơ hội tốt nhất để tiếp tục phát triển. Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang chia sẻ với Báo Giao thông về những dự định nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm mới.

Một năm đột phá

Cục ĐTNĐ VN vinh dự được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc năm 2015, ghi nhận sự đóng góp vào sự phát triển chung của ngành GTVT. Điều gì giúp mang lại thành công của ngành, thưa ông?

Vận tải đường thủy luôn được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng, nhưng trong thời gian dài chậm phát triển, tính cạnh tranh thấp hơn so với các lĩnh vực GTVT khác.

Lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết tâm thay đổi thực tế trên và thường xuyên sát sao chỉ đạo định hướng tái cơ cấu toàn diện ngành ĐTNĐ. Điều này đòi hỏi tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục ĐTNĐ Việt Nam phải đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động, nỗ lực vượt khó để nâng hiệu quả công tác.

Từ đầu năm chúng tôi phải đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách bắt buộc phải hoàn thành, như xây dựng các cơ chế chính sách trình Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp mới quản lý vận tải, hạ tầng giao thông, trật tự ATGT đường thủy, cải cách hành chính, tiếp xúc và tháo gỡ khó khăn cho DN, kiện toàn bộ máy, tăng cường sự kết nối với các địa phương, DN, người dân… Kèm với mỗi nhiệm vụ đặt ra là trách nhiệm thực hiện cụ thể của từng lãnh đạo Cục, phòng, ban và yêu cầu hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo Cục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ tiến độ công việc, thường xuyên động viên các bộ phận, cá nhân đoàn kết vượt khó, phát huy trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, vì sự phát triển chung của ngành ĐTNĐ.

Cục đã đạt được kết quả nào mang tính đột phá, thưa ông?

Sự nỗ lực đồng đều của các đơn vị, bộ phận trực thuộc Cục đã mang lại kết quả tốt trên hầu hết các mặt công tác và mừng hơn là những việc trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân, DN đạt kết quả tốt hơn mong đợi. Có thể kể đến như việc ngành ĐTNĐ đã khai trương, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến qua mạng internet đối với 25 thủ tục hành chính công, trong khi mục tiêu ban đầu tưởng chỉ có thể giải quyết được 3 thủ tục. Bên cạnh đó, đã loại bỏ 13 thủ tục hành chính, gộp hơn 30 thủ tục vào còn hơn 10 thủ tục; đưa ra thời hạn giải quyết nhanh và phân cấp địa phương giải quyết một số thủ tục.

Trong giải quyết thủ tục hành chính, hơn 228.000 hồ sơ mà Cục tiếp nhận, giải quyết trong năm qua, không có trường hợp nào bị trễ hẹn hoặc bị phản ánh là sai sót hay bị cán bộ, công chức gây phiền phức. Các văn bản quy phạm pháp luật và đề án, quy hoạch, quyết định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông đường thủy đều được thực hiện theo kế hoạch.

Cục cũng ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào quản lý hạ tầng, xây dựng bản đồ đường thủy, cập nhật các dữ liệu thuyền viên, phương tiện thủy, cảng bến trên toàn quốc, ban hành giáo trình chuẩn đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy và công khai các thông tin của ngành trên trang điện tử để giúp DN, người dân tiếp cận dễ dàng, hỗ trợ các cơ quan chức năng liên quan, địa phương thực hiện công tác quản lý. Lãnh đạo Cục làm việc, tiếp xúc thường xuyên với các địa phương, DN để nắm bắt tốt hơn thực tiễn, kêu gọi đầu tư vào các dự án xã hội hóa đường thủy.

Trăn trở thúc đẩy vận tải thủy

Ngành ĐTNĐ đang nỗ lực cải thiện hạ tầng, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút vận tải, cạnh tranh với đường bộ, đường sắt. Tình hình vận tải thủy trong năm qua thế nào, thưa ông?

Cảng Đình Vũ là địa điểm tập kết để vận chuyển hàn
Cảng Đình Vũ là địa điểm tập kết để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tới các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và thế giới.

Vận tải ĐTNĐ trong năm qua đạt hơn 123 triệu hành khách và hơn 160 triệu tấn hàng hóa, tăng 3,9% về hành khách và 4,1% về hàng hóa so với năm trước. Nhiều mặt hàng trước đây chủ yếu đi bằng đường bộ như: Quặng, xi măng, sắt, thép, nông sản… nay đã chuyển sang đường thủy để giảm chi phí vận tải. Bên cạnh chuyện sản lượng, lĩnh vực ĐTNĐ đang có xu hướng phát triển các phương tiện vận tải hàng hóa trọng tải lớn, từ vài nghìn tấn trở lên, để chạy sâu trong nội địa và kết nối với tuyến vận tải ven biển đã được mở từ Quảng Ninh - Kiên Giang.

Phương tiện sông pha biển có sự gia tăng nhanh chóng, với hơn 600 tàu đang hoạt động trên tuyến Quảng Ninh - Kiên Giang; hình thành tuyến vận tải container trên một số tuyến và xuất hiện phương tiện du lịch đường thủy, chở khách trên đường thủy, tuyến nội thủy từ bờ ra đảo ngày càng được đầu tư hiện đại. Tín hiệu đáng mừng khác là một số DN lớn đang quan tâm tìm hiểu để đầu tư xây dựng các cảng đầu mối ở phía Bắc, Nam để mở tuyến vận tải mới.

Dẫu vận tải thủy năm qua có sự tăng trưởng, nhưng vẫn ở mức thấp, chưa phản ánh đúng lợi thế về vận tải giá rẻ, an toàn và thân thiện với môi trường. Điều này cũng khiến tôi thường xuyên trăn trở là tại sao là hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy chưa nhiều, vận tải thủy chưa thể bứt phá về vận tải. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy vận tải thủy và đây cũng là nhiệm vụ được Cục ĐTNĐ VN ưu tiên tập trung trong thời gian tới.

Để thúc đẩy vận tải thủy cần có các giải pháp đồng bộ, nhất là tạo sự kết nối thuận tiện với đường bộ, đường sắt. Riêng trong vấn đề quản lý, Cục sẽ làm gì để tạo thuận lợi cho vận tải thủy, thưa ông?

Thời gian qua, công tác quản lý cảng, bến thủy của ngành Đường thủy đã có sự thay đổi đáng kể theo phương châm tạo sự công bằng và thông thoáng, đơn giản hóa cho DN, đơn vị vận tải. Cùng với giám sát chặt chẽ hoạt động quản lý hạ tầng, bảo trì luồng tuyến và nạo vét kịp thời, bảo đảm luồng lạch thông suốt, Cục ĐTNĐ VN còn thí điểm cấp phép phương tiện ra, vào cảng bến từ xa, lắp camera giám sát công tác của cảng vụ đường thủy, lập báo cáo vận tải hàng ngày để nắm bắt diễn biến thực tế. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra, cảng vụ ĐTNĐ xử lý nghiêm nạn chở quá tải, phương tiện lấy hàng tại các bến không phép hoạt động trái phép, từng bước xóa bỏ tình trạng cảng, bến không phép để tạo cạnh tranh lành mạnh trong vận tải. Cục sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ và nâng ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành, góp phần tạo sự hài lòng cho DN và người dân.

“Cơ chế 47” mở hướng khuyến khích phát triển

Ông có kỳ vọng năm 2016 ngành ĐTNĐ tiếp tục có sự chuyển biến tích cực hơn?

Tôi nghĩ rằng, không dễ để ngành ĐTNĐ có được kết quả bứt phá trên tất cả mọi mặt chỉ trong thời gian ngắn, nhất là trong bối cảnh các lĩnh vực GTVT khác đều tái cơ cấu để tạo sức cạnh tranh. Đường thủy có những khó khăn đặc thù, nhưng cũng có những lợi thế riêng và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT và các ngành, địa phương, sự quan tâm đầu tư của xã hội, DN, giúp mở ra cơ hội thay đổi diện mạo lĩnh vực GTVT ĐTNĐ.

Và để tạo điều kiện phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47 “về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ”, có hiệu lực thi hành từ tháng 12/2015. Trong đó đã đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển cụ thể trong bốn lĩnh vực: Quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy; đầu tư phương tiện thủy; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải và dịch vụ vận tải; hỗ trợ đào tạo người lái phương tiện… Đồng thời, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương có nhiệm vụ cụ thể trong triển khai thực hiện.

“Cơ chế 47” này là tiền đề, hướng mở quan trọng để phát triển GTVT ĐTNĐ quốc gia và mỗi địa phương.Khi các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng DN, xã hội cùng quan tâm, ủng hộ cho sự phát triển GTVT ĐTNĐ, chắc chắn ngành Đường thủy sẽ phát huy tốt nhất lợi thế, tiềm năng vốn có để đóng góp vào sự phát triển KT-XH của đất nước.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.