Một tuyến đường thủy khu vực phía Nam - Ảnh CTV
Thông tư số 10/2021 của Bộ GTVT quy định về cấp kỹ thuật đường thủy nội địa, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2016; có hiệu lực thi hành từ 15/6/2021 tới đây quy định, đường thủy được chia thành cấp 7 cấp kỹ thuật, gồm: cấp đặc biệt và các cấp từ I đến VI. Trong đó, cấp đặc biệt có khả năng khai thác vận tải thủy lớn nhất, các cấp còn lại giảm dần theo thứ tự từ cấp I đến VI.
Nội dung thông tư cũng quy định, khi xây dựng mới, cải tạo cầu hoặc công trình khác qua luồng đường thủy phải bảo đảm chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, độ sâu an toàn của đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật tuyến luồng được xác định trong quy hoạch đã công bố.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, toàn quốc hiện có 137 tuyến đường thủy quốc gia, trong đó có 12 tuyến đạt cấp đặc biệt, còn lại đạt cấp từ I-VI.
Cũng theo các thông tư trên, ngoài 12 tuyến trên, tới đây sẽ có thêm 4 tuyến đường thủy được đưa vào quy hoạch thành cấp đặc biệt, gồm: sông Đáy từ phao số 0 Cửa Đáy đến Ninh Bình (dài 72km); sông Văn Úc - Gùa từ cửa Văn Úc - cầu Khuể (32km); sông Cổ Chiên từ cửa Cổ Chiên đến kênh Trà Vinh (dài 46km); sông Hàm Luông từ cửa Hàm Luông đến rạch Mỏ Cày (hơn 53km).
Theo tiêu chuẩn hiện hành, các thông số kỹ thuật các công trình liên quan đến đường thủy cấp đặc biệt được xác định “tùy thuộc vào tàu thiết kế” và có thể khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan có loại trên 4x600 tấn và phương tiện thủy có trọng tải trên 1.000 tấn.
Tuy vậy, theo thông tư trên, riêng với sông Tiền, sông Hậu, kích thước công trình vượt sông của đường thủy quốc gia cấp đặc biệt được tính toán cho tàu 10.000 tấn lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận