Pháp luật

Đường tới vòng lao lý của đại gia Sáu Phấn

07/05/2018, 07:00

Trước khi bị truy tố và đưa ra xét xử, nữ đại gia Sáu Phấn được nhiều người biết đến như một đại gia...

21

Bà Sáu Phấn đang điều trị tại bệnh viện

Trước khi bị truy tố và đưa ra xét xử, nữ đại gia Sáu Phấn - Hứa Thị Phấn (SN 1947, cựu cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) được nhiều người biết đến như một đại gia giàu có, sở hữu hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, ít ai biết để có được số tiền đó, nữ đại gia này đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để “hô biến” tiền của người khác thành của mình.

Dùng thủ đoạn để có 84,92% cổ phần

Suốt từ năm 2016 đến nay, nữ đại gia được dư luận liên tục nhắc đến khi bị cáo buộc liên quan đến các đại án xảy ra tại các Ngân hàng Xây dựng, OceanBank. Tại phiên xét xử sơ thẩm đại án OceanBank hồi cuối tháng 9/2017, bà Phấn bị tuyên 17 năm tù, sau đó kháng cáo. Bà Phấn cùng Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB bị cáo buộc đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý đảm bảo cho khoản vay nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay số tiền 500 tỷ đồng để Phạm Công Danh sử dụng số tiền vay vào việc thanh toán các khoản nợ của bị cáo Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín. 

Trong kết luận của CQĐT, cáo trạng truy tố của VKSND cũng đã nêu rõ, CQĐT không thể tiếp xúc để lấy lời khai của bà Phấn suốt một năm qua, kể từ khi bà Phấn bị khởi tố. Khi tới gặp, bà Phấn gọi không nghe, “ú ớ” không trả lời nhưng vẫn ký vào các đơn kháng án, tố cáo… Điều đó cho thấy có dấu hiệu không hợp tác với cơ quan điều tra.

Trong vụ án này, bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch OceanBank bị tuyên chung thân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank bị tuyên tử hình. Phiên tòa phúc thẩm vừa kết thúc hôm 4/5 đã tuyên y án đối với hai bị cáo này. Trong phiên phúc thẩm, bị cáo Phấn xin xét xử vắng mặt vì lý do mất hơn 90% sức khỏe và tòa cũng tuyên y án sơ thẩm.

Theo dự kiến, ngày 8/5, TAND TP.HCM sẽ đưa bà Phấn cùng 28 đồng phạm ra xét xử về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TrustBank. Bà Phấn cùng các đồng phạm bị cáo buộc đã gây thiệt hại 12.000 tỷ cho TrustBank. Như vậy, ngoài bản án 17 năm tù, bà Phấn có thể tiếp tục phải đối mặt với một bản án khác tại phiên tòa này.

Theo hồ sơ điều tra, năm 2001, bà Phấn thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, chuyên kinh doanh bất động sản. Năm 2006, theo quy định tại Nghị định 141/2006, các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Từ 2007 - 2010, biết TrustBank lúc này chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, rất cần tăng vốn, bà Phấn mặc dù không có tiền nhưng đã tìm mọi thủ đoạn để góp 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Để có 2.000 tỷ góp vốn, bà Phấn nhờ 14 cá nhân là con cháu, họ hàng đứng tên vay giùm bà hơn 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% cổ phần TrustBank. Nắm trong tay quyền kiểm soát TrustBank, bà Phấn tiếp tục dùng người thân là họ hàng của mình nhờ đứng tên, thế chấp tài sản và vay với tổng số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng tại TrustBank.

Điều đáng nói, tài sản thế chấp cho khoản vay 3.581 tỷ đồng này chủ yếu chỉ có hai miếng đất nông nghiệp có giá khoảng 80 nghìn đồng/m2, nhưng đã được định giá thành 8 - 32 triệu đồng/m2, cao gấp 400 lần. Thông qua thủ đoạn này, bà Phấn đã đút túi hơn 1.500 tỷ đồng, trở thành nữ đại gia nghìn tỷ chỉ trong chớp mắt.

Mua Trustbank để tiếp tục rút ruột

Sau khi nắm giữ 84,92% cổ phần, Hứa Thị Phấn giữ chức cố vấn cao cấp tại TrustBank. Từ đây, bà Phấn đưa người của mình về làm lãnh đạo giữ các vị trí quan trọng là ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch TrustBank (vừa bị tòa xét xử về hành vi cho các công ty “ma” của Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vay tiền, gây thất thoát hơn 600 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng). Ngoài ra, các chân rết giúp sức cho Phấn thực hiện các hành vi rút ruột ngân hàng gồm: Ngô Nguyễn Đoan Trang, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn, là cháu ruột của bà Phấn; Lâm Hứa Huỳnh Trinh, cháu bà Phấn, là cán bộ cao cấp tại TrustBank; Bùi Thị Kim Loan, người thân cận của bà Phấn được xem như người có vai trò giữ “tay hòm chìa khóa” và chỉ đạo các cán bộ ngân hàng làm theo chỉ thị của bà Phấn.

Bên cạnh đó, bà Phấn khi nắm được quyền điều hành đã chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT, cán bộ nhân viên hai chi nhánh Lam Giang và Sài Gòn, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư tín dụng và hoạt động tại TrustBank.

Chỉ trong thời gian rất ngắn nắm quyền kiểm soát, bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành TrustBank, mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (P.6, Q.3) từ Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang với giá khoảng 1.260 tỷ đồng trong khi giá trị thực chỉ 290 tỷ đồng. Bà Phấn còn chỉ đạo TrustBank đầu tư trái quy định pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt thêm tại TrustBank 1.037 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Phấn cũng chỉ đạo nâng khống 25 bất động sản khác bán cho chính  TrustBank để chiếm đoạt 1.024 tỷ đồng.

Như vậy, mọi hoạt động của TrustBank lúc này dường như… chỉ quanh quẩn với việc nâng khống giá trị tài sản bất động sản, mua bán lòng vòng… nhằm hút cạn tiền của dân gửi vào.

Có thể bắt tạm giam và chăm sóc y tế theo quy định?

Cận ngày xét xử nhưng hơn một năm nay, từ khi khởi tố, CQĐT vẫn chưa thể lấy lời khai vì bà Phấn tiếp tục cáo bệnh.

Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng văn phòng luật Hasslaws, bà Phấn có thể đang vận dụng “quyền im lặng” theo quy định mới tại Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ, việc xét xử thực tế cần rất nhiều nguồn khác nhau để giải quyết vụ án.

Một vấn đề khác mà dư luận quan tâm, liệu rằng với cớ bị bệnh, mất sức khỏe hơn 90%, bà Phấn không chịu ra tòa thì vụ án sẽ giải quyết thế nào? Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, bệnh án hay xác nhận của cơ sở y tế nơi điều trị là một trong những căn cứ để xác định tình trạng sức khỏe của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, khi có giám định sức khỏe, nếu xác định bà Phấn đã lợi dụng tình trạng sức khỏe để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tố tụng của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Khi tạm giam, bị can, bị cáo có quyền được chăm sóc y tế theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.